Đưa hoạt động lễ hội đi vào nền nếp

Cập nhật: 24/04/2018
Nguồn: Nhân Dân
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội nghị toàn ngành nhằm nhìn nhận, đánh giá về công tác tổ chức và quản lý lễ hội trong dịp Xuân Mậu Tuất 2018 vừa qua. Tại hội nghị, bên cạnh những đánh giá về chuyển biến tích cực, các đại biểu cũng thẳng thắn đề cập những mặt hạn chế, tiêu cực còn tồn tại, cần sớm được chấn chỉnh để đưa hoạt động lễ hội đi vào nền nếp, phát triển lành mạnh.

Sau Tết Nguyên đán, các lễ hội trên cả nước đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia trảy hội, nhất là những lễ hội lớn như: chùa Hương, Yên Tử, hội Lim, hội đền Trần, lễ hội núi Bà Đen... Với sự vào cuộc chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng sự phối hợp của các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương và các ngành liên quan, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã chuyển biến tích cực, được quản lý chặt chẽ hơn, tuân thủ chỉ đạo của cơ quan quản lý trung ương và địa phương. Hoạt động lễ hội diễn ra khá lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Công tác quản lý, tổ chức lễ hội không còn nặng về hình thức như trước mà đi vào những việc cụ thể, trực tiếp giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc với tinh thần quyết liệt và sự vào cuộc với ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực không phù hợp với xu thế thời đại đã được chuyển đổi hình thức nghi lễ như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) đã bước vào mùa lễ hội thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; hội Phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ mang tính tượng trưng; lễ hội Đền Sóc ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn cũng thay đổi hình thức cướp lộc, không còn cảnh tranh giành, cướp giò hoa tre đầy phản cảm như trước...

Đối với một số lễ hội còn xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm quy định nếp sống văn minh, các đơn vị chức năng đã có giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. Tiêu biểu như tại hội làng Sơn Đồng, Hoài Đức (Hà Nội), Ban tổ chức đã rút ngắn thời gian giằng bông, không tổ chức trò chơi chọi gà nhằm loại trừ hiện tượng cờ bạc trá hình.

Tại lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), các cơ quan chức năng và Ban tổ chức đã vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã bằng cách gửi đồ mã, vàng mã vào kho nhà đền sau khi thực hiện các nghi thức cúng lễ. Trong lễ khai ấn đền Trần (Nam Định), giá vé trông giữ xe được niêm yết công khai, Ban tổ chức cũng lập đường dây nóng, lắp ca-mê-ra để kiểm soát các sai phạm.

Năm nay, lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Vĩnh Phúc) và Hải Lựu (Phú Thọ) đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo, đề ra phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm khi mổ trâu, niêm yết giá bán công khai... Bên cạnh đó, nhiều lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm khôi phục và tổ chức đậm đà bản sắc, lành mạnh và tiết kiệm như: lễ hội Lồng Tồng của người Tày - Nùng, lễ hội Cầu mưa của người Khơ Mú, lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội Hoa ban của người Thái...

Tuy nhiên, do công tác quản lý, tổ chức lễ hội cũng liên quan đến hàng loạt vấn đề của nhiều ban, ngành khác nhau như an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, hoạt động kinh doanh hàng quán dịch vụ... nên chỉ cần lơ là, buông lỏng quản lý là lại xảy ra tiêu cực hoặc trở nên lộn xộn, diễn ra một cách tự phát, khiến hoạt động lễ hội bị lệch lạc, xô bồ.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, hiện tại, vẫn còn tình trạng lễ hội được mở rộng với quy mô lớn, phô trương, thậm chí còn được định hướng nâng cấp tới quy mô cấp quốc gia và quốc tế, trong khi địa phương chưa có nghiên cứu đầy đủ về nguồn gốc của lễ hội, chưa chuẩn bị các phương án về xây dựng cơ sở hạ tầng như khu vực đón tiếp, đường đi, lối lại, nơi trông xe, phương tiện giao thông và công trình vệ sinh công cộng... Nhiều nơi có xu hướng thương mại hóa, biến lễ hội thành phương tiện tạo nguồn thu cho một nhóm lợi ích.

Hiện tượng tiêu cực chưa được xóa bỏ triệt để như mê tín dị đoan, đốt quá nhiều vàng mã, đồ mã tại các di tích đền, phủ gây tốn kém, ô nhiễm môi trường và nguy cơ hỏa hoạn. Vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, chen lấn, xô đẩy mất trật tự, an toàn giao thông, bày và đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch, nạn bán hàng rong, ăn xin... gây mất mỹ quan ở không ít di tích. Các hàng quán và cơ sở dịch vụ tiếp tục tái diễn việc ép giá, “chặt chém” giá cả, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một vấn đề nổi cộm mà ngành văn hóa cần chú ý là lễ hội thường gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa và được khai thác phục vụ cho du lịch ở nhiều địa phương. Tuy mang lại nguồn lợi ích không nhỏ, nhưng nguy cơ di tích bị xâm hại cũng rất lớn. Điển hình là mới đây, Công ty cổ phần Du lịch Tràng An xây dựng trái phép xuyên lõi di sản Tràng An, hay như cảnh quan của di sản phố cổ Hội An và khu bảo tồn sinh quyển Cù Lao Chàm đang bị đe dọa bởi những công trình kiến trúc không phù hợp... Với mục đích thương mại hóa, thu hút khách du lịch và tìm kiếm lợi nhuận, ở một số di tích đã xảy ra việc trùng tu, tôn tạo và xây mới nơi thờ tự sai quy định, đưa các vật thể lạ trái với thuần phong mỹ tục vào di tích. Chính vì vậy, công tác quản lý cần được tăng cường, sát thực tế nhằm phát hiện sớm những sai phạm, không để xảy ra tình trạng nhà quản lý luôn đi sau, thường phải chạy theo giải quyết khi dư luận lên tiếng.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những thành tựu về công tác quản lý, tổ chức lễ hội thời gian qua cần được thường xuyên duy trì và đưa vào nền nếp hằng năm, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng chỉ làm theo “chiến dịch” rồi đâu lại hoàn đó. Công tác quản lý không thể chỉ tập trung vào mùa, vụ mà phải đi vào từng việc cụ thể, thường xuyên chấn chỉnh các hoạt động vi phạm và chưa đúng với quy định của ngành chức năng. Trước mắt, tập trung giải quyết dứt điểm đối với các lễ hội có nhiều hiện tượng tiêu cực, phản cảm với thái độ kiên quyết, dứt khoát.

Đây cũng là quan điểm của lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch tại hội nghị sơ kết, đánh giá về mùa lễ hội năm nay: Tất cả các lễ hội còn để xảy ra hiện tượng phản cảm, tiêu cực phải nhanh chóng có biện pháp khắc phục và có phương thức tổ chức phù hợp. Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân giảm đốt vàng mã, đồ mã; đề nghị các nhà khoa học vào cuộc để đưa ra giải pháp, lộ trình thực hiện hình thức tổ chức mới ở những lễ hội còn có các tập tục lạc hậu, phản cảm; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý, tổ chức để các lễ hội diễn ra an toàn, nghiêm túc.

NGUYỄN THU HIỀN