Bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ ý thức người dân

Cập nhật: 10/07/2018
Nguồn: baoquangninh.com.vn
Công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường tự nhiên đang trở thành một trong những chủ đề được toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, công tác này chỉ thực sự hiệu quả khi mỗi người dân đều có ý thức trách nhiệm tham gia, bắt đầu ngay từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Nhằm cụ thể hóa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhất là thực hiện các tiêu chí về môi trường, ngay từ năm 2016, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu” tại 2 thôn Thác Bưởi 1 (xã Tiên Lãng) và Khe Và (xã Yên Than) của huyện Tiên Yên. Bằng sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai, tuyên truyền, vận động, mô hình nhanh chóng được đông đảo người dân đồng thuận, thi đua thực hiện với các việc làm thiết thực: Phân loại rác sinh hoạt từ gia đình, hằng tuần tổ chức tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trồng, chăm sóc tuyến đường hoa và cây xanh… Đến nay, mỗi huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều xây dựng 2 mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”. Đội ngũ cán bộ MTTQ, chức sắc tôn giáo và cán bộ thôn, khu, bản nơi xây dựng mô hình điểm đều được tham gia tập huấn về nội dung này trước khi tổ chức thảo luận, tuyên truyền người dân ký cam kết thực hiện. Vì thế, mỗi địa phương sẽ linh hoạt tùy theo thực tế nhu cầu của người dân, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt của khu dân cư, nhất là thực trạng ô nhiễm môi trường, những vấn đề cần phải khắc phục.

Tuyến đường trục chính xã Đại Thành (Tiên Yên) thường xuyên được quét dọn, giữ gìn sạch, đẹp.

Tìm hiểu tại xã Đại Thành (Tiên Yên), chúng tôi được đồng chí Lê Xuân Khuyến, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Chúng tôi luôn xác định cách làm hiệu quả nhất phải đi từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống, gắn công tác bảo vệ môi trường với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua. Đầu tiên là cán bộ, đảng viên làm trước trong giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm chung, tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt đúng quy định, trồng mẫu 50 cây cau cảnh dọc hai bên tuyến đường trục chính qua UBND xã để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp… Tiếp đó, các đoàn thể nhân dân cùng vào cuộc, xây dựng các mô hình “Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Đoạn đường tự quản”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... và vận động các đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện. Đặc biệt, xã còn thành lập các tổ tự quản ở khu dân cư, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ gia đình thu gom và đổ rác thải, xử lý nước thải đúng nơi quy định, xây các hầm biogas bảo đảm vệ sinh chăn nuôi...

ĐVTN xã Quan Lạn (Vân Đồn) tuyên truyền, hỗ trợ hộ kinh doanh tháo dỡ chòi, lều tự phát trên bãi biển.

Các huyện Vân Đồn, Cô Tô cũng có những cách làm hay, hiệu quả để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho cả nhân dân lẫn du khách, tạo được sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng. Theo đó, bên cạnh những hình thức tuyên truyền thông thường như phát tờ rơi, treo panô, áp phích hay ra quân dọn rác dọc các bãi biển, ĐVTN huyện Vân Đồn còn phối hợp thực hiện Đề án hạn chế sử dụng túi nilon bằng cách phát miễn phí các túi giấy, túi sinh học tự phân hủy cho du khách khi đến Cảng Cái Rồng để ra tham quan, du lịch các xã đảo. Hội LHPN huyện Cô Tô thì triển khai mô hình dùng làn đi chợ, tặng làn nhựa cho các hộ gia đình sử dụng để dần thay thế thói quen dùng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày. Các trường học trên địa bàn cũng thường xuyên đưa nội dung bảo vệ môi trường tự nhiên vào trong hoạt động giảng dạy, ngoại khóa để nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh. Các em thực hành việc để rác đúng nơi quy định, nhận biết và phân loại các loại rác thải (hữu cơ, vô cơ, tái chế) ngay tại lớp học, rèn thành thói quen khi trở về nhà, tích cực tuyên truyền tới bạn bè, người thân.

Thực tế hiện nay, rất nhiều người sẵn sàng tham gia những chương trình, phong trào hoạt động tình nguyện vì môi trường, đấu tranh vì môi trường một cách hăng hái. Tuy nhiên, về lâu dài, để giải bài toán bảo vệ môi trường thì quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân.

Hoàng Giang