Đừng để doanh nghiệp nước ngoài “loay hoay” với rác

Cập nhật: 12/07/2018
Nguồn: www.baobinhthuan.com.vn
Người nước ngoài rất coi trọng vấn đề môi trường, đặc biệt người ở các nước phương Tây và một số nước châu Á như Nhật Bản, Singapore... Ý thức về môi trường của họ không chỉ giới hạn trong quốc gia hay lãnh thổ, mà mang tầm quốc tế. Họ đi du lịch hay đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở bất cứ quốc gia nào, cũng là người tiên phong trong việc giữ gìn môi trường.

Chủ doanh nghiệp nước ngoài làm việc với các địa phương hỗ trợ dọn rác tại một bãi biển vào 12/7 tới

Tại khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, hiện đã và đang có nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động. Phó Chủ tịch UBND phường Mũi Né Nguyễn Thị Thúy Loan thừa nhận, người nước ngoài làm rất tốt vấn đề môi trường. Họ làm bằng cả trái tim và cái tâm thực sự.

Là công dân toàn cầu (những người có thể sở hữu một hoặc nhiều quốc tịch, sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau), nên họ luôn luôn có ý thức trách nhiệm trước những vấn đề toàn cầu, chung tay xây dựng thế giới tốt đẹp hơn. Những năm qua, họ đã có nhiều hoạt động thiết thực cải thiện môi trường Mũi Né.

Đơn cử, năm 2016 họ phối hợp với người dân Mũi Né kêu gọi mọi người chung tay làm sạch bãi biển, cụ thể tại bãi biển dọc tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng với khẩu hiệu "Keep Mui Ne Clean" (giữ cho Mũi Né sạch). Sự kiện đã thu hút nhiều du khách khác tự nguyện tham gia. Bà Julia Shaw - Chủ đầu tư Trung tâm huấn luyện thuyền buồm Manta trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Mũi Né, TP. Phan Thiết) chia sẻ: Ô nhiễm môi trường là vấn đề toàn cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam, với biển Mũi Né thì chúng tôi cũng phải có trách nhiệm.

Sau sự kiện đó, họ không tổ chức chiến dịch nào nữa vì muốn tổ chức một chương trình hay hoạt động liên quan đến yếu tố nước ngoài thì phải có sự xin phép chính quyền địa phương. Song, hàng tháng, hàng tuần họ tổ chức cho nhân viên vệ sinh không chỉ bên trong mà còn bên ngoài cơ sở du lịch của mình. Chị Kristy Marland Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Blue Ocean, Hàm Tiến chia sẻ, nếu Mũi Né sạch, du khách đến nhiều sẽ mang lại lợi ích lớn cho chúng ta… Chúng tôi đã đặt ra quy định, cứ vào thứ 5 đầu tiên của  tháng tất cả các resort phải dọn vệ sinh, không chỉ trong khu vực quản lý của mình mà còn phải dọn khu vực xung quanh khu nghĩ dưỡng.

Dù vậy, họ vẫn trăn trở vấn đề rác tại bãi biển dọc đường Huỳnh Thúc Kháng – nơi ngập rác đại dương, từng phát động chiến dịch dọn năm 2016. Bởi một điểm đến mà chỗ này sạch, chỗ kia không sạch thì cũng đều như nhau, vì du khách tham quan mọi nơi mọi chỗ, chứ không phải vì một địa điểm hay cơ sở du lịch nào đó. Jutta Arnaud – một trong nhiều chủ doanh nghiệp hoạt động tại Mũi Né băn khoăn chia sẻ, Mũi Né cần phải sạch, đẹp toàn diện để cạnh tranh với các điểm đến khác như Phú Quốc, Nha Trang… và vươn đến đẳng cấp cao hơn như các điểm đến ở một số nước phát triển du lịch trên thế giới. Nếu cứ để tình trạng này, Mũi Né sẽ mất khách trong tương lai…  

Một trong những hoạt động cải thiện môi trường Mũi Né

Vì hình ảnh Mũi Né, mới đây họ tiếp tục lên kế hoạch tìm nguồn tài trợ cũng như tự bỏ tiền thuê xe tải, xe múc để làm sạch bãi biển này. Kế hoạch đã được báo cáo chính quyền địa phương dự kiến tổ chức vào ngày 12/7, trong đó có bày tỏ mong muốn sự trợ giúp về nhân lực và địa điểm đổ rác. Thuỷ - trợ lý của một trong những chủ doanh nghiệp du lịch nước ngoài chia sẻ: giám đốc của chúng tôi bảo rằng, tất cả những gì họ làm vì hình ảnh Mũi Né, vì cuộc sống người dân… Mũi Né nhếch nhác sẽ không thu hút được du khách, thiệt thòi nhất thuộc về người dân vì thất nghiệp, còn họ sẽ đến Thái Lan, Malaysia, Indonesia… làm việc.

Những trăn trở của các doanh nghiệp rất cần được các cấp, ngành quan tâm... Đừng để họ phải “loay hoay” với rác, thay vì chuyên tâm vào tìm cách thu hút khách quốc tế và phục vụ du khách. Hơn nữa, đừng để giới đầu tư muốn đầu tư vào du lịch đến rồi ra đi chỉ vì rác.

 Ninh Chinh