Khách quay lưng với Hải Tiến dù biển đẹp!

Cập nhật: 20/07/2018
Nguồn: thoibaonganhang.vn
Thiết nghĩ, nếu không sớm xóa bỏ bộ mặt luộm thuộm, nhếch nhác hiện tại, chẳng bao lâu nữa, bãi biển này sẽ lại “vắng như chùa Bà Đanh”.

Một khu du lịch tiềm năng lớn

Không quá đông đúc như Sầm Sơn, thời gian gần đây, khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) được nhiều người dân miền Bắc và Bắc Trung bộ lựa chọn cho kỳ nghỉ cuối tuần.

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 155km, Khu du lịch Hải Tiến nằm trên địa phận 5 xã của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa gồm: Xã Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Hoẳng Hải và Hoằng Trường. Bãi biển Hải Tiến ẩn chứa nét hoang sơ, thoải dài nên khá an toàn cho trẻ nhỏ và có thể bơi lội khá xa bờ. Đến Hải Tiến, du khách không chỉ được tắm biển mà với nhiều người, còn được khám phá cuộc sống của người dân nơi đây.

Cách trung tâm biển Hải Tiến chừng 2km, ngay cạnh Resort Eureka Linh Trường là khu chợ hải sản lớn nhất khu vực này. Tại đây, từ 5 giờ sáng, những chiếc thuyền nhỏ ra khơi đánh bắt gần bờ đã trở về mang theo rất nhiều tôm, cá, hải sản, "thập cẩm" con lớn, con bé lẫn lộn. Khách kỹ tính thì chọn lựa, khách dễ thì mua cả mớ nào bề bề, cua, ghẹ, cá với giá rẻ giật mình. Một góc bờ biển ồn ào, xôn xao cả buổi bình minh.

Một chiếc xe hàng khá lớn với ba chiếc bếp ga công nghiệp và ba nồi nước đang sôi sùng sục, sẵn sàng sơ chế như hấp, nướng ăn tại chỗ hoặc đóng thùng đá để mang đi xa. Tôm to, tôm nhỏ hàng cân, túi lớn, túi bé hấp xong đỏ au, ngon lành, hấp dẫn. Mực mai dày mình và tròn quay tươi rói, trắng xanh. Loăng quăng với chiếc máy ảnh, cùng các ngư dân chuyện trò và nhặt cá trên những tấm lưới, bạn sẽ thấy cuộc sống người dân Thanh Hóa thật mộc mạc và yên bình.

Các “thượng đế” đến biển Hải Tiến còn được khám phá nhiều điểm đến lịch sử như: Đền thờ Trạng Quỳnh tại làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc; chùa Vĩnh Gia tại xã Hoằng Phương, nơi lưu giữ 54 sắc phong của các triều đại vua của Việt Nam; đền thờ các nhân thần và nhiên thần như Triệu Quang Phục, Lê Phụng Hiểu, Trần Khát Chân, Lương Đắc Bằng, Lương Hữu Khánh; đền thờ Tô Hiến Thành ở làng cổ Hoàng Bột; Tượng đài Lão quân Hoằng Trường Anh hùng…

Từ bãi biển, du khách cũng có thể ngược dòng sông Mã về thăm Lạch Hới, Cồn Trường nơi có khu rừng bần, sú vẹt; qua bến Nguyệt Viên, bến Hàm Rồng thăm núi Ngọc, núi Rồng, động Tiên Sơn, hồ Kim Quy… Trên dòng sông Mã Anh hùng, du khách được chìm đắm trong những điệu hò mang đặc trưng của dân ca xứ Thanh, vừa thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng sông nước.

Đến với vùng biển Hải Tiến, du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều món ngon. Nổi tiếng nhất là nem chua Thanh Hóa, thưởng thức cùng với rượu Cầu Lộc. Cá Mè sông Mực thơm ngon, béo ngậy; Bánh gai Tứ Trụ của làng Mía huyện Thọ Xuân thơm ngon, bùi bùi; mắm tép Hà Yên của người dân Hà Trung dùng để chấm các món luộc rất đặc biệt và nhiều hải sản tươi ngon như tôm, cua, ghẹ, mực, bề bề…

Với những điểm cộng ấy, cùng với việc cơ sở vật chất đang dần được hoàn thiện, lẽ ra, biển Hải Tiến có thể sánh ngang với “người anh em” cùng tỉnh là bãi biển Sầm Sơn. Thế nhưng, môi trường nhếch nhác, rác thải bao trùm, hàng quán tùm lum, giao thông lộn xộn... là những “điểm trừ” khiến các “thượng đế” một đi không trở lại khu du lịch biển miền Trung này.

Những nỗi thất vọng

Nếu so với khu du lịch nổi tiếng Sầm Sơn (TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) thì Hải Tiến vẫn còn kém rất xa. Không ít du khách tỏ ra thất vọng khi ngay phía trước khu Resort Eureka Linh Trường – một trong những khu nghỉ dưỡng cao cấp bậc nhất khu du lịch biển Hải Tiến chất đống vỏ hải sản đang phân hủy bốc mùi nồng nặc. Đến mức, khách ở trong villa cạnh biển cứ đi tìm chuột chết trong phòng, nhưng sau mới phát hiện là do rác thải phía trước khu nghỉ dưỡng bốc mùi, gió biển thổi vào.

Ở khu trung tâm bãi biển Hải Tiến, cứ sau mưa, ngay cổng vào khu du lịch biển Ánh Dương - Hải Tiến lại có một vũng nước tù đọng lớn. Ngay dưới chân cổng chào là một bãi chất thải lớn không có ai dọn dẹp, hàng rong bày bán lộn xộn. Cách cổng chào không xa, ngay cạnh nơi đang xây cầu cảng là một bãi rác khổng lồ. Rác thải tại đây bị vứt vô tội vạ và được chôn lấp sơ sài bằng một cái hố không thể cản trở mùi hôi thối, nồng nặc bốc lên khiến du khách phải bịt mũi mỗi khi ngang qua.

Thậm chí, khi rác thải quá nhiều sẽ được đốt tại chỗ để tiêu hủy. Ở dưới bãi biển, nhiều bao tải đựng rác vứt bừa bãi. Trong khi đó, hàng quán bày bán đồ ăn sẵn nằm ngay ngoài đường, không được che đậy và bảo vệ bằng các thiết bị đảm bảo vệ sinh. Ô tô và xe điện di chuyển, dừng đỗ lộn xộn dưới đường khiến việc đi lại tham quan của khách du lịch gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm.

Dù bãi biển Hải Tiến khá hoang sơ, an toàn, nhưng sau nhiều năm phát triển, nơi đây vẫn chưa cho thấy bộ mặt mới như đúng kỳ vọng của du khách. Thiết nghĩ, nếu không sớm xóa bỏ bộ mặt luộm thuộm, nhếch nhác hiện tại, chẳng bao lâu nữa, bãi biển này sẽ lại “vắng như chùa Bà Đanh”.

Bài và ảnh Minh Thắng