Du lịch biển Việt Nam: Dấu ấn phát triển vượt bậc

Cập nhật: 24/08/2018
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
Với trên 3.260km đường bờ biển, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển (gấp 3 lần diện tích đất liền) cùng với gần 3.000 đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có hệ thống tài nguyên biển phong phú để có thể phát triển mạnh ngành du lịch gắn với biển.

Một góc biển Ninh Thuận. Ảnh: MH

Biển Việt Nam chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng, quy mô thuộc loại khá, cho phép phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng. Trong vùng biển nước ta, bên cạnh tiềm năng lớn về hải sản, khoáng sản, dầu mỏ, còn có nhiều vũng, vịnh, hang động trên đảo, bãi tắm…, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo.

Nắm bắt thế mạnh này, thời gian qua, nhiều điểm du lịch biển nổi tiếng đã được đầu tư phát triển. Để tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh cho du lịch biển, nhiều dịch vụ giải trí, thể thao biển đã được đưa vào hoạt động như: Chèo thuyền du lịch, kéo dù bằng ca nô, lướt ván, đua thuyền… đặc biệt là loại hình ngắm biển bằng dù lượn, kinh khí cầu, máy bay mô hình (ở biển Nha Trang, Đà Nẵng); hay bằng máy bay trực thăng (ở vịnh Hạ Long).

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú ven biển của nước ta cũng được đầu tư phát triển. Tính đến nay, khu vực ven biển đã có hơn 1.400 cơ sở lưu trú cung ứng gần 50.000 buồng.

Việt Nam đã hình thành 3 trung tâm du lịch biển có sức hút với khách quốc tế, gồm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) với những cơ sở lưu trú hiện đại 4 - 5 sao, có thể đón những đoàn khách đến nghỉ dưỡng và phát triển du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo).

Với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ giải trí, du lịch biển đã thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng mỗi năm. Từ năm 2000 đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã tăng trưởng khá trong cả doanh thu và số lượt khách du lịch. Đóng góp một vị thế quan trọng vào sự phát triển này là du lịch biển. Theo thống kê, trung bình trên 75% khách quốc tế chọn du lịch biển đảo và 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển, đóng góp tới 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước. Tốp 20% các địa phương dẫn đầu chiếm tỷ trọng 75,8% tổng doanh thu du lịch lữ hành và trong tốp này tỷ lệ các địa phương giáp biển đã chiếm đến gần 82%.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, trong giai đoạn 2000 - 2010, tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch tại các địa phương giáp biển là 75,3%, hay tính trung bình trên 75% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chọn du lịch biển đảo. Đối với khách du lịch trong nước, tỷ trọng này khiêm tốn hơn song cũng chiếm 54,5% tổng lượng khách du lịch trong nước.

Theo thống kê mới công bố của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới nhất đầu năm 2017 và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Đây là kết quả từ sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển trên lộ trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Đặc biệt, năm 2017, du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng từ năm 2016, riêng tháng 11/2017, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 1,2 triệu lượt người, tăng 14,4% so với tháng 10. Đây cũng là tháng thứ 8 trong năm nay, khách quốc tế đạt hơn 1 triệu lượt. Với đà tăng trưởng này, nhiều khả năng năm nay, ngành du lịch nước ta sẽ đón được 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28% so với năm ngoái. Lượng khách quốc tế đến nước ta tăng trưởng mạnh trong 2 năm qua, với gần 60% so với năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Sự tăng trưởng của dòng khách này đã góp phần đưa doanh thu du lịch năm nay lên gần 515 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương  23 tỷ USD, đóng góp 7% vào GDP của đất nước.

Ngoài ra, còn do hiệu quả quảng bá hình ảnh Việt Nam từ Tuần lễ cấp cao APEC cùng những giải pháp đồng bộ mà ngành du lịch đã thực hiện thời gian qua. Ông Trương Sỹ Vinh, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: "Trước Nghị quyết và sau Nghị quyết có sự khác biệt là cả xã hội phải tập trung đầu tư vào phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Luật Du lịch có nhiều điểm mới, điều này sẽ làm du lịch mang tính chất quy củ hơn và phù hợp với thực tiễn hơn rất nhiều. Tất nhiên, con số khách du lịch là điểm nhấn đạt được xấp xỉ 13 triệu, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch trong năm 2016 và năm 2017 lớn như vậy xấp xỉ đến 30%, tôi nghĩ không ngành nào như du lịch Việt Nam đạt được con số như vậy, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: Năm 2017 là năm đầy cảm xúc, với dấu ấn và thành tích chưa từng có của ngành du lịch Việt Nam. Kết quả của năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cho thấy, những mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra trong Nghị quyết 08 đang dần trở thành hiện thực.

Phan Phương