Thách thức & cơ hội

Cập nhật: 06/09/2018
Nguồn: dulich.baothuathienhue.vn
Ngành du lịch Huế đang tiến hành làm thủ tục để công nhận các điểm, khu du lịch theo quy định của Luật Du lịch 2017. Với những yêu cầu, quyền lợi và trách nhiệm mới, sẽ là thách thức và cả cơ hội phát triển của du lịch Huế.

Du khách tham quan Đại Nội

Nhiều điều kiện cụ thể hơn

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho hay, lâu nay nói đến điểm du lịch, hay khu du lịch, nhiều người khá mơ hồ trong cách phân định; hoặc cứ nói là điểm này, điểm kia, nhiều người, ngay cả đơn vị quản lý, doanh nghiệp khai thác cũng ít khi quan tâm những điều kiện để công nhận là điểm du lịch. Điều này một phần xuất phát từ cơ chế giám sát, quyền lợi khi được công nhận điểm du lịch.

Luật Du lịch 2017, có hiệu lực từ đầu năm 2018, quy định cụ thể, chi tiết hơn về điểm du lịch, khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch Quốc gia. Sau hơn 8 tháng luật có hiệu lực, đây đang là thời điểm mà ngành du lịch Huế tiến hành lập hồ sơ, để công nhận các điểm, khu du lịch trong tỉnh.

Luật Du lịch mới quy định rất rõ các điều kiện cần và đủ. Đối với điểm du lịch, phải có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; có kết cầu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch (kết nối giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước sạch, biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch; có dịch vụ ăn uống, mua sắm); đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, có nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm; có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

Sở Du lịch thông tin, đối với khu du lịch được chia thành hai loại, cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Theo đó, điều kiện để hình thành khu du lịch cấp tỉnh phải có ít nhất 1 tài nguyên du lịch cấp tỉnh; có hệ thống điện lưới, hệ thống cung cấp nước sạch; có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm; cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch; có bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn...

Thủy Biều đang là điểm đến được khách lựa chọn

Điều kiện công nhận khu du lịch Quốc gia cao hơn phải có ít nhất 2 tài nguyên du lịch; trong đó, có tài nguyên du lịch cấp Quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch. Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500 ngàn lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300 ngàn lượt khách lưu trú mỗi năm; trong đó, có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên...

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, đối chiếu các tiêu chí trên, rất nhiều điểm du lịch ở Huế hiện nay không đáp ứng đủ điều kiện, nhất là hạ tầng giao thông, dịch vụ lưu trú… Còn với khu du lịch, sẽ khó ở nguồn khách tối thiểu, chẳng hạn như Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô - Bạch Mã - Cảnh Dương mà Huế đang trong quá trình lập quy hoạch, phải có hệ thống lưu trú đáp ứng được 300 ngàn lượt khách, đây là điều không dễ.

Hưởng lợi

Ông Lê Ngọc Sanh cho hay, với quy định mới, những điểm du lịch khi đã công nhận sẽ được đưa vào trong danh mục, công bố trên các trang thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch. Điểm du lịch và khu du lịch sẽ được phân loại như kiểu khách sạn, khi du khách nhìn vào sẽ biết điểm đến nào đảm bảo an toàn và có dịch vụ tốt. Những điểm du lịch sẽ còn được hỗ trợ về công tác quảng bá.

Với hình thức phân loại này, đòi hỏi các đơn vị quản lý và nhất là doanh nghiệp đang khai thác điểm du lịch phải đầu tư thêm dịch vụ, hạ tầng và các dịch vụ khác để điểm đến tăng khả năng cạnh tranh, sức hút cho điểm đến. Khi đó, chất lượng dịch vụ tại điểm đến nói riêng sẽ cao hơn và du lịch Huế nói chung sẽ tăng lên.

Theo Sở Du lịch, cũng theo quy định mới, tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch có quyền đầu tư, khai thác, bảo vệ tài nguyên du lịch. Ban hành nội quy, tổ chức kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Tổ chức dịch vụ hướng dẫn, quy định, quản lý việc sử dụng hướng dẫn viên du lịch trong phạm vi quản lý và được thu phí theo quy định của pháp luật.

Với những yêu cầu mới, cụ thể và cao hơn, nhiều điểm sẽ khó đạt yêu cầu. Nhưng với cơ chế và quyền lợi nhiều hơn, các điểm du lịch sẽ dễ thu hút đầu tư, hướng đến dịch vụ chất lượng và chuyên nghiệp trong tương lai.

Bài ảnh: Quang Sang