Đánh thức tiềm năng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã

Cập nhật: 15/10/2018
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
Từng là 1 trong 7 khu nghỉ dưỡng trên cao ở Đông Dương, cạnh tranh với Bà Nà (TP. Đà Nẵng), Vườn Quốc Gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) là điểm danh thắng du lịch nổi tiếng ở khu vực miền Trung. Song nhiều năm nay, do giao thông khó khăn, tốn kém, dịch vụ chưa tốt... đã khiến điểm đến này chưa thực sự thu hút đúng với tiềm năng vốn có.

Vườn quốc gia Bạch Mã là điểm danh thắng du lịch nổi tiếng ở miền Trung

Bạch Mã chưa “thức tỉnh”

Theo ông Nguyễn Văn Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương là nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh từ cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên, di tích... Với đặc thù đó, Thừa Thiên Huế xác định không phát triển nóng mà phát triển bền vững trên cơ sở tăng trưởng xanh; duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh. Trong đó, Vườn Quốc gia Bạch Mã được xem là “nàng công chúa ngủ quên”, với nhiều tiềm năng và thế mạnh vẫn chưa được đánh thức.

Bạch Mã được thành lập ngày 15/7/1991, là một Vườn Quốc gia có diện lớn nhất cả nước với trên 37.487 ha (gồm 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam). Bạch Mã là một phần của dãy Trường Sơn Bắc, có nhiều dãy núi với các đỉnh cao trên 1.000m chạy ngang theo hướng từ Tây sang Đông và thấp dần ra biển. Dưới chân của các dải núi là những thung lũng hẹp, dài với những dòng suối trong xanh, góp phần cải tạo khí hậu vùng.

Cho đến nay, Bạch Mã có tới 64 loài nguy cấp ở phạm vi Việt Nam, chiếm 3,88% số loài của Vườn được đưa vào trong Sách đỏ - phần thực vật. Vườn cũng đã bổ sung 23 loài nguy cấp ở phạm vi toàn cầu, chiếm 1,4% tổng số loài của Vườn có tên trong Danh mục thực vật bị đe dọa của IUCN. Có 23 loài được bảo vệ theo pháp luật của Việt Nam.

Hệ thống biệt thự kiểu Pháp tại Vườn quốc gia Bạch Mã

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ động vật Bạch Mã có 4 loài là đặc hữu hẹp của Bạch Mã, 22 loài là đặc hữu của Việt Nam, 88 loài quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. Chỉ tính riêng về lớp thu, Bạch Mã đã có tới 46 loài quý hiếm, 17 loài có tên trong Sách đỏ thế giới…

Ở Bạch Mã có 3 điểm danh thắng nổi tiếng là Vọng Hải Đài nằm ở độ cao 1.430 m phía trên đỉnh của Bạch Mã. Tại đây, du khách không vừa khám phá vẻ đẹp hùng vỹ của dãy núi, vừa tận hưởng những cảm giác lạ lùng. Đó là một khoảnh khắc để thả hồn trong những làn gió mật ngọt lành và cảm nhận được hơi thở của núi Bạch Mã.

Tiếp đó là Thác Đỗ Quyên quyến rũ; làm mê mẩn bất cứ du khách nào đặt chân tới đây. Với độ cao khoảng 300m chảy dọc theo sườn núi đá, nước tung bọt trắng xóa, nổi bật giữa hàng ngàn cây xanh như bức tranh tuyệt mỹ. Cuối cùng là thác Ngũ Hồ, đúng như tên gọi vốn có, Ngũ Hồ có 5 hồ gần nhau với những hình dạng khác nhau. Đây thật sự là điểm đến lý tưởng cho du khách đặc biệt là những người yêu thích cuộc phiêu lưu và cảm giác “yomost”.

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, TS. Huỳnh Văn Kéo- Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho hay hiện nay, lượng khách trung bình của Bạch Mã rất thấp, chỉ khoảng 15.000- 16.000 khách/năm, doanh thu du lịch khoảng 600- 700 triệu đồng. Nguyên nhân của việc này chủ yếu là khí hậu khắc nghiệt: mưa nhiều, ẩm ướt; số ngày kinh doanh dưới 100 ngày/năm...  nên nhà đầu tư cân nhắc nhiều cho việc bảo dưỡng, thuê người và rủi ro trong kinh doanh.

Phối cảnh Khu B của du lịch sinh thái Bạch Mã nhìn từ trên cao

Nguyên nhân thứ hai là do giao thông đi lại khó khăn. Đường lên đỉnh Bạch Mã là đường độc đạo, dài 16 km nhưng độ dốc cao, trung bình khoảng 12%,… dẫn đến giá thành vận chuyển từ chân núi lên đỉnh rất cao, khoảng  900.000 đồng trong ngày lên về/xe 15 chỗ (chở dưới 12 người); qua đêm (1.200.000 đồng). Điều này làm giá thành tour Bạch Mã cao, ít hút khách. Thứ ba là cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Đặc biệt là nguồn điện hay bị sự cố. Hiện ngành điện chưa dám đầu tư, sửa chữa để kinh doanh do khả năng sinh lợi kém. Các cơ sở nghỉ dưỡng còn kém chất lượng, ẩm mốc; dịch vụ ăn uống khó tổ chức do khách không thường xuyên, vận chuyển, dự trữ, bảo quản thức ăn rất khó khăn.

Đánh thức tiềm năng

So với nhiều địa danh du lịch khắp dải đất miền Trung, Vườn Quốc gia Bạch Mã vẫn là một “ẩn số”. Gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của vùng đất này thế nào trong cơn lốc dựng xây và cả những ý định nhăm nhe khai thác bằng dịch vụ công nghiệp đang là câu hỏi đặt ra với các nhà quản lý...

Để có cơ sở quản lý bảo tồn và khai thác phát huy các giá trị của Vườn Quốc gia Bạch Mã, đồng thời tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút các nhà đầu tư kinh doanh và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái; giữa tháng 10 vừa qua, tại TP. Huế đã diễn ra “Hội nghị góp ý quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã” với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo bộ ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Trên cơ sở thống nhất chủ trương lập quy hoạch của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai công tác tổ chức lập và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã.

Các đại biểu hiến kế nhiều giải pháp để phát triển Khu du lịch sinh thái Bạch Mã

Theo đó, quy mô phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã khoảng 387,8 ha, bao gồm 2 khu. Khu A được thiết kế là khu vực trạm cơ sở và hạ tầng giao thông có diện tích khoảng 97,8 ha, bao gồm 3 phân khu: Tuyến giao thông tiếp cận đến dự án, có điểm đầu tuyến từ ngã ba giao cắt Quốc lộ 1A đến điểm cuối tuyến là trạm cơ sở khu vực Khe Su; trạm cơ sở khu vực Khe Su với diện tích nghiên cứu khoảng 64,1 ha, là nơi đón tiếp khách du lịch và nơi đặt nhà ga cáp treo; tuyến cáp treo du lịch đi từ trạm cơ sở (khu A) lên đỉnh Bạch Mã (khu B) có chiều dài dự kiến 4km với hành lang bảo vệ khoảng 26m.

Khu B chính là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã, phạm vi diện tích nghiên cứu khoảng 290 ha, với các chức năng chính là đón tiếp, hội thảo, triển lãm, dịch vụ thương mại (lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, giải khát...); các không gian hoạt động ngoài trời (phố đi bộ, tuyến thăm quan, tuyến hành hương, lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên); hành chính, điều hành (nhà điều hành, nhà nhân viên...) và chức năng phụ trợ kỹ thuật (trạm điện, trạm nước, khu tập kết rác thải). Phân khu chức năng khu B bao gồm: khu làng du lịch đỉnh núi, khu làng du lịch di sản, khu làng trung tâm, khu du lịch tâm linh, khu dịch vụ phụ trợ, khu làng du lịch thung lũng thác nước, khu cảnh quan tự nhiên.

Một trong những điểm nhấn của Khu du lịch sinh thái Bạch Mã là hệ thống cáp treo sử dụng công nghệ tuần hoàn đơn, kẹp nhả tự động, bao gồm 2 tuyến: tuyến 1 từ khu vực trạm cơ sở (khu A) lên đỉnh Bạch Mã (khu B); tuyến 2 đi từ ga đỉnh Bạch Mã (cao 1.395m) đến ga cuối ở khu vực Ngũ Hồ (cao 1.140m).

Hội nghị tập trung lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đánh giá việc khôi phục các biệt thự cổ, xây dựng hệ thống cáp treo, xây dựng trung tâm hành chính dịch vụ. Đồng thời làm rõ sự cần thiết của việc triển khai thực hiện quy hoạch và hình thành các khu du lịch tại khu vực Bạch Mã; so sánh công nghệ, phương pháp thi công, phương án tổ chức thực hiện và kinh nghiệm với một số tỉnh, một số nước trên thế giới. Cơ sở xác định quy mô, số lượng khách phục vụ của khu vực lập quy hoạch; đánh giá sự tác động, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, khả năng đáp ứng tổng số lượng khách theo quy hoạch...

Phối cảnh hệ thống cáp treo tại Bạch Mã

Không đánh đổi môi trường

Hiện đối với Vườn Quốc gia Bạch Mã đã có nhiều quy chế để bảo vệ môi trường sống của các loài trong khu vực như: xây dựng nhà cửa, không thể làm 10 -15 tầng trong vùng lõi, các công trình phải đảm bảo có độ cao dưới tán cây...

Các ý kiến góp ý tại hội nghị đều chung quan điểm, phát triển Khu du lịch sinh thái Bạch Mã phải đảm bảo hạn chế tác động đến hệ thống cảnh quan, môi trường. Quy hoạch này chỉ có mang tính định hướng chứ không hạn chế sự sáng tạo của nhà đầu tư. Đồng thời, quá trình triển khai phải tập trung tốt cho công tác đánh giá tác động môi trường, cảnh quan, cân nhắc lại việc đầu tư hệ thống cáp treo tại khu vực Khu Khu du lịch sinh thái Bạch Mã.

Ông Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Vườn quốc gia Bạch Mã là một địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của Huế. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chưa tốt đã làm ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái, khiến cho sự đa dạng của khu vực này bị suy giảm, làm giảm sự hấp dẫn về cảnh quan thiên nhiên của du khách khi đến với Bạch Mã.

Phát triển du lịch ở Bạch Mã sẽ không thể đánh đổi môi trường...

“Việc triển khai dự án bên cạnh việc phát triển du lịch cần đặc biết chú trọng việc các vấn đề liên quan đến môi trường bao gồm nước thải, chất thải rắn phát sinh và yếu tố bảo tồn đa dạng sinh học trong khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Giải pháp cáp treo là tối ưu vì ít tác động môi trường nhất lại có thể tham quan được hệ sinh thái từ trên cao”- ông Chính nói.

Theo định hướng quy hoạch Khu Du lịch sinh thái Bạch Mã sẽ tiếp nhận khoảng một triệu khách mỗi năm, trong đó khách lưu trú chiếm 30%. Nhiều đại biểu cho rằng, cần tính toán kỹ kiến trúc các công trình ở Bạch Mã, nếu không phù hợp sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL cho rằng, phát triển du lịch ở Bạch Mã không thể đánh đổi môi trường. Du lịch sinh thái rất kén khách, vì vậy quy hoạch khu sinh thái nhất là Vườn Quốc gia Bạch Mã cần chú ý đến yếu tố này để đảm bảo bảo tồn được các giá trị tài nguyên, đa dạng sinh học và môi trường. Việc quy hoạch xây dựng các công trình cáp treo hay khu vui chơi giải trí nhân tạo và mang lại tiếng ồn trong khu sinh thái là điều cần tránh, không phù hợp với nguyên tắc và yêu cầu phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường cảnh quan...

Bài, ảnh: Văn Dinh