Thủ tướng phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc

Cập nhật: 20/11/2018
Nguồn: Tổ Quốc
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030.

Mục tiêu của Nhiệm vụ quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến 2030; xây dựng và phát triển Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí công nhận là Khu du lịch quốc gia trước năm 2025, hướng tới trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc Bộ.

Xây dựng và phát triển liên kết về không gian, kết nối hạ tầng khung Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc với định hướng phát triển của tỉnh Thái Nguyên, Vườn quốc gia Tam Đảo và Vùng Thủ đô Hà Nội nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội khu vực Hồ Núi Cốc và các vùng lân cận nói chung, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

Bảo tồn và phát huy được các lợi thế sẵn có của khu vực về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên: Hệ sinh thái rừng phòng hộ, hệ sinh thái hồ, đảo, hệ sinh thái vùng trồng chè đặc sản Tân Cương... nhằm khai thác phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững.

Đồng thời, làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc theo quy hoạch và triển khai các quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng tiếp theo.

Hồ Núi Cốc là Trung tâm du lịch sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp

Theo phê duyệt, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc thuộc địa bàn các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương thuộc thành phố Thái Nguyên, các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu và thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, xã Phúc Tân thuộc thị xã Phổ Yên.

Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc có tính chất là Khu du lịch quốc gia - Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng sinh thái, bảo tồn, thể thao và vui chơi giải trí cao cấp của tỉnh Thái Nguyên và khu vực miền Bắc; là khu vực bảo tồn sinh quyển, rừng phòng hộ bảo vệ lưu vực chính của sông Công, khu vực trồng chè đặc sản có quy mô lớn tập trung có giá trị kinh tế cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, gìn giữ văn hóa đặc sắc của các nhóm dân tộc vùng lòng hồ.

Vi Phong