Nhật Bản giúp Hội An giảm thiểu rác thải

Cập nhật: 06/12/2018
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
10 năm qua, Hội An từng bước xây dựng thành công hình ảnh một trung tâm du lịch thanh bình, an toàn, sạch đẹp… đó là nhờ sự quyết liệt của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương; đặc biệt là sự giúp đỡ của JICA và một số tổ chức khác của Nhật Bản.

Buổi trao đổi kỹ thuật về xử lý rác thải ở Hội An

Ngày 5/12, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam diễn ra buổi trao đổi kỹ thuật về rác thải với chủ đề “10 năm tiến bước cùng Okinawa và chặng đường sắp tới”.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP Hội An cho biết, 10 năm trước, Hội An hợp tác với TP Naha (Nhật Bản), Hội vận động tái chế rác thải người dân Okinawa và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng chung tay hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực bảo vệ môi trường cho TP. Hội An.

Theo đó, Hội An đã triển khai dự án “Nâng cao nhận thức về 3R đối với chất thải rắn mô hình Naha cho Hội An với 5 chương trình chính: Phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu sử dụng túi nilon, xử lý rác thải nhà bếp, giáo dục bảo vệ môi trường trong học đường, nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

Với mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả dự án, năm 2012, Hội An đã ký kết với TP Naha biên bản ghi nhớ về chương trình hợp tác dự án “Giảm thiểu rác thải theo mô hình Naha tại TP Hội An”. Dự án thực hiện tại tất cả 13 xã phường trên địa bàn thành phố Hội An, dựa trên kinh nghiệm thực hiện mô hình “Thành phố Cộng sinh Môi trường” của thành phố Naha. Các chuyên gia của Naha rất giàu kinh nghiệm về giảm thiểu rác thải kinh doanh và kinh nghiệm trong lĩnh vực làm du lịch với mô hình cân nhắc về môi trường, vốn đã trở thành “thương hiệu” của thành phố Naha. Mục tiêu chính của dự án là thực thi “Kế hoạch triển khai phân loại rác thải sinh hoạt trong thành phố Hội An”; Triển khai việc thu gom phân loại đến toàn thành phố; Phát “Sổ tay hướng dẫn phân loại rác tại nguồn” đến tất cả các hộ gia đình; và Điều tra thành phần rác thải, tiếp thu năng lực giám sát tình trạng phân loại rác.

Năm 2016, TP. Hội An và Naha tiếp tục kí kết hợp tác triển khai chủ đề “Xây dựng Hội An - Thành phố sinh thái - Nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp”. Qua 3 giai đoạn thực hiện, đã tạo nhận thức trong người dân, doanh nghiệp và các cấp lãnh đạo của Hội An về tầm quan trọng của việc phân loại, xử lý rác thải.

Người dân Hội An đã thấm nhuần nguyên tắc “Trộn lẫn là rác, phân loại thì rác là tài nguyên”. Thứ 2 là việc tổ chức phân loại rác tại nguồn ở Hội An đã tăng lên đáng kể, từ 20-30% trước đây đến nay tăng lên 70-80%. Thứ 3 là nhiều mô hình xử lý rác thải đảm bảo yêu cầu đã được triển khai ở các doanh nghiệp.

Nhà máy xử lý nước thải chùa Cầu - một dự án nổi bật của JICA tiến hành tại Hội An

Đến nay, kết quả hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức của Nhật Bản với Hội An đã đạt được những kết quả thiết thực, nhiều ý nghĩa. Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt, tỉ lệ các hộ dân và doanh nghiệp tham gia cũng như chất lượng phân loại rác tại nguồn cũng như giảm thiểu túi nilon ngày càng tốt. Bộ mặt của đô thị cổ Hội An từ nông thôn, đô thị đến biển, đảo ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Một trong những dự án nổi bật mà JICA đang tiến hành ở tỉnh Quảng Nam là Dự án viện trợ không hoàn lại cải thiện môi trường nước khu vực Chùa Cầu, Hội An - một địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng hiện đang bị ô nhiễm nước khá nghiêm trọng.

Dự án này hỗ trợ cải tạo hệ thống kênh dẫn nước thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 2.000m3/ngày để xử lý nước ô nhiễm tại kênh dẫn tới Chùa Cầu. Tới nay, nhà máy đã hoàn thiện, cơ bản xử lý chuẩn nước thải sinh hoạt.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, vấn đề lớn nhất hiện nay là khâu xử lý cuối cùng đó là dây chuyền phân loại trước đây do Pháp đầu tư hơn 5 năm nay đã lạc hậu, không thích ứng với quy trình của Nhật Bản hiện nay.

Bên cạnh đó, lò đốt rác phục vụ cho Hội An trước đây đốt từ 70-80 tấn/ngày đêm, nhưng hiện này mỗi ngày lò đốt này chỉ đốt khoảng 35 tấn, do đó số rác không xử lý được lên đến 60-70 tấn/ngày đêm, nên phải chở vào tận huyện Núi Thành để xử lý.

“Cái này làm tốn kém và ô nhiễm rất lớn, mặc khác cũng làm giảm hiệu quả phân loại vì nếu phân loại xong, không được xử lý đúng quy định sẽ gây ra ô nhiễm. Hiện nay, có tình trạng phân loại xong, khi chở đến bãi thì đổ trộn chở đi, điều này làm lãng phí công sức phân loại; do đó để giải quyết vấn đề này phải có giải pháp trong thời gian tới”- ông Sơn phát biểu.

Ông Shiroma Mikiko, Thị trưởng TP. Naha cho biết, 10 năm qua, dưới sự tài trợ của JICA và sự hợp tác 3 bên, dự án “Giảm thiểu rác thải theo mô hình Naha tại TP. Hội An” đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Hiện nay dự án đang ở giai đoạn cuối và các gia đình vẫn tiếp tục thực hiện thu gom phân loại rác thải. Trong thời gian tới, chính phủ Nhật Bản và Hội An sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án “dài hơi” để thực hiện chính sách hướng đến xây dựng “Thành phố sinh thái” với sự hợp tác của các bên chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Lan Anh