Bảo vệ môi trường khu di sản chung Hạ Long – Cát Bà

Cập nhật: 15/01/2019
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
Cần có một Ban quản lý khu di sản chung đủ mạnh để giải quyết các thách thức về môi trường, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của di sản trong bối cảnh tương lai Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được mở rộng sang quần đảo Cát Bà.

"Hạ Long - Cát Bà"- Nỗi lo ô nhiễm

Ông Jake Brunner, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho biết, Vịnh Hạ Long – Di sản Thiên nhiên thế giới và Cát Bà – Khu Dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận là hai trong số những khu vực quan trọng nhất về kinh tế và sinh thái của Việt Nam, được thế giới biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên và những giá trị đa dạng sinh học quan trọng.

Hạ Long – Cát Bà đang được tái đề cử là Di sản Thiên nhiên thế giới do các giá trị về sinh thái, đa dạng sinh học và bảo tồn, đồng thời chứa đựng các hiện tượng, địa điểm tự nhiên hết sức nổi bật hoặc khu vực có vẻ đẹp tự nhiên độc đáo cũng như tầm quan trọng về thẩm mỹ.

Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đang phải đối mặt với một cuộc chiến chống lại rác thải. Ảnh: IUCN

Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn đang là vấn đề tồn tại ở vùng di sản này. Nhóm chuyên gia tư vấn của Liên minh Hạ Long – Cát Bà nhận định, những giá trị về địa chất của Di sản hiện chưa bị đe dọa, nhưng với sự gia tăng liên tục về lượng khách du lịch, nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả du lịch và chất thải, sẽ đe dọa nghiêm trọng các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hiền, đại diện IUCN, mặc dù BQL Vịnh Hạ Long đã ký hợp đồng với doanh nghiệp đến thu gom rác trên Vịnh, nhưng chưa có chương trình phân loại rác tại nguồn. Hiện rác thải Vịnh Hạ Long cùng với rác thải của TP Hạ Long được thu gom và đổ ra bãi rác tập trung tại huyện Hoành Bồ, nhưng lò đốt rác ở đây vẫn chưa đi vào hoạt động. Mặt khác, nước thải từ khai thác than vẫn chưa được xử lý triệt để, một lượng lớn đang đổ ra Vịnh Hạ Long.

Trong khi đó, ở quần đảo Cát Bà, khu vực nuôi có mật độ lồng bè lớn đã cản trở dòng chảy gây tích tụ chất ô nhiễm, kết hợp với nguồn chất thải từ chính hoạt động nuôi do ý thức của các hộ nuôi dẫn tới sự xuất hiện các sự cố môi trường.

Kết hợp để giải quyết các thách thức về môi trường

Trước thực tế đó, muốn bảo tồn được nguyên vẹn các giá trị của di sản thiên nhiên, để phát huy các giá trị này phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ môi trường phải được chú trọng và quan tâm hàng đầu. Và trong bối cảnh tương lai di sản thiên niên thế giới vịnh Hạ Long được mở rộng sang quần đảo Cát Bà, cần phải có một cơ chế quản lý đồng bộ giữa Hải Phòng và Quảng Ninh.

Khu vực nuôi có mật độ lồng bè lớn đã cản trở dòng chảy gây tích tụ chất ô nhiễm ở quần đảo Cát Bà

Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định, trước xu thế cùng phát triển giữa các địa phương, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã và đang không ngừng tăng cường liên kết vùng, cùng tạo dựng hành lang phát triển kinh tế, bảo tồn, gìn giữa và phát huy các giá trị nổi bật của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà; từng bước đưa du lịch khu vực phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đặc biệt, cầu Bạch Đằng mới khánh thành đã nối TP Hải Phòng với TP Hạ Long sẽ càng gắn kết mối liên kết kinh tế - du lịch giữa hai địa phương.

Vì vậy, cần thiết phải có một cơ chế quản lý đồng bộ giữa Hải Phòng và Quảng Ninh về vấn đề ô nhiễm, nhất là chất thải rắn và ô nhiễm nước. Việc xác định ranh giới của Di sản Thiên nhiên thế giới mở rộng, bao gồm vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà cần phải được thực hiện cùng công tác quản lý và quy hoạch chặt chẽ nhằm đảm bảo không có thêm những tác động gây ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên thế giới.

“Trong đó, Quảng Ninh, Hải Phòng cần có một Ban quản lý khu di sản chung đủ mạnh để làm tốt công việc bảo tồn giá trị độc đáo và giải quyết các thách thức về môi trường di sản vịnh Hạ Long Cát Bà”, ông Hoàng Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải nhấn mạnh.

Tháng 9/2019: UBND thành phố Hải Phòng nộp dự thảo hồ sơ tái đề cử Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long nối dài sang quần đảo Cát Bà lên IUCN để lấy ý kiến

Tháng 2/2020: nộp hồ sơ chính thức lên UNESCO

Dự kiến quá trình đánh giá và thẩm định sau khi nộp hồ sơ sẽ mất khoảng 1-2 năm trước khi hồ sơ được chính thức phê duyệt bởi UNESCO.

 

Tuyết Chinh