Hà Nội đón đầu cơ hội, thúc đẩy kinh tế du lịch

Cập nhật: 25/03/2019
Nguồn: NDO
Những năm qua, Hà Nội tập trung khai thác du lịch di sản, du lịch văn hóa, và trong thời gian tới, thành phố sẽ kết hợp thế mạnh này với việc tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế. Thành phố đang nỗ lực đầu tư vào hạ tầng, phát triển các sản phẩm mới, xây dựng du lịch thông minh... để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

Du khách tìm hiểu quy trình dệt thổ cẩm của đồng bào Cao Lan (tỉnh Bắc Giang)
tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở quận Cầu Giấy. Ảnh: MỸ HÀ

Ðón đầu những cơ hội mới

Ngày 20-3, UBND thành phố Hà Nội và Công ty Việt Nam Grand Prix (thuộc Tập đoàn Vingroup) tổ chức khởi công đường đua xe Công thức 1 Hà Nội (F1 Hà Nội) tại quận Nam Từ Liêm, phục vụ cho Giải đua xe Công thức 1 vào tháng 4-2020. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung khẳng định: "Sức hấp dẫn của sự kiện sẽ góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình ra thế giới. Từ đó tạo tiền đề thu hút đầu tư, du lịch, chuyển giao công nghệ mới". Sự kiện khởi công xây dựng đường đua xe Công thức 1 diễn ra chỉ ít ngày sau khi Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Hội nghị thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, với hàng nghìn nhà báo đến từ hàng trăm hãng thông tấn.

Thành phố Hà Nội đã tận dụng cơ hội hiếm có này để quảng bá những nét đẹp văn hóa, tiềm năng du lịch Thủ đô thông qua việc chỉnh trang đường phố, mời các nhà báo thưởng thức những đặc sản ẩm thực, hỗ trợ phương tiện đi lại và tặng một số tua tham quan miễn phí. Ngay trong thời gian diễn ra hội nghị, những hình ảnh về Thủ đô Hà Nội thân thiện, hòa bình, giàu truyền thống văn hóa đã được truyền đi khắp thế giới. Tiếp đó, các hãng thông tấn, báo chí đã đến những địa chỉ du lịch nổi tiếng của Hà Nội như: hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò... để làm phim phóng sự về văn hóa, con người Hà Nội. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai góp phần tạo ra "làn sóng" khách du lịch đến Việt Nam.

Hai sự kiện quan trọng nêu trên cho thấy Hà Nội không chỉ đủ sức tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, mà còn đổi mới tư duy trong hoạt động du lịch. Những năm qua, thành phố tập trung khai thác du lịch di sản, du lịch văn hóa và thời gian tới, thành phố sẽ kết hợp thế mạnh này với tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, phát triển du lịch hội nghị, thông qua các sự kiện quảng bá tiềm năng du lịch văn hóa. Dự kiến Giải đua xe F1 sẽ có một lượng khách rất lớn đổ đến Hà Nội bởi đây là giải đua hấp dẫn nhất trong số các môn thể thao tốc độ. Trước tiên, là sự có mặt của khoảng 10 đội đua xe. Mỗi đội đua trung bình dự kiến có 200 nhân viên phục vụ. Ngoài ra còn kéo theo số lượng lớn các nhà báo và các cổ động viên. Tại Xin-ga-po, Giải đua xe F1 có khoảng 40% số người xem là khách nước ngoài và hầu hết số khách này là đối tượng có khả năng chi tiêu cao. Từ hiệu ứng đó, thành phố đặt mục tiêu đón gần 32 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8,22 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020. Thế nhưng, đi kèm với cơ hội là những thách thức. Lượng khách du lịch có lưu trú tại Hà Nội liên tục tăng trong những năm gần đây khiến thành phố cùng lúc giải quyết các vấn đề: Tạo thêm các sản phẩm du lịch mới để phục vụ khách du lịch, chuẩn bị hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch để "đón sóng". Các sản phẩm, hạ tầng du lịch vừa phải cung cấp đủ về số lượng, lại đáp ứng tốt nhu cầu về chất lượng.

Chuẩn bị tốt nhất

Ðến nay, Hà Nội có 3.500 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 61 nghìn buồng, phòng, trong đó, có 67 khách sạn từ ba đến năm sao, tổng số 10 nghìn buồng và bảy khu căn hộ du lịch cao cấp, với 1.350 phòng. Ðể đáp ứng lượng khách tăng nhanh, riêng giai đoạn 2019 - 2020, thành phố sẽ hoàn thành 31 dự án khách sạn, khu nhà ở có căn hộ cao cấp cho thuê như: Dự án tổ hợp khách sạn - văn phòng số 1 phố Bà Triệu, khách sạn Mỹ Ðình Pearl, khách sạn, căn hộ cho thuê tại số 51 phố Xuân Diệu (quận Tây Hồ)... Khi đó, thành phố sẽ có thêm khoảng 7.000 buồng, phòng được đưa vào khai thác. Ngoài ra, còn nhiều dịch vụ lưu trú khác phát triển như căn hộ cho thuê của người dân, homestay... về cơ bản sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách.

Ðối với kế hoạch đầu tư xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm du lịch sẵn có, thành phố đã triển khai những dự án tầm cỡ quốc tế như: Trung tâm Triển lãm quốc gia (huyện Ðông Anh), Công viên Kim Quy (huyện Ðông Anh), Công viên chủ đề Hello Kitty (quận Tây Hồ)... Song song với đó, từ năm 2016 đến nay, Sở Du lịch đã làm việc với hầu hết các quận, huyện để xác định mỗi quận, huyện tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch chủ lực. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Ðức Hải cho biết: "Từ sự phối hợp này, nhiều quận, huyện đã cho ra đời một số sản phẩm du lịch mới, hoặc một số dự án đang trong quá trình triển khai, hoàn thiện. Quận Tây Hồ đang khai thác hiệu quả Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn), điểm du lịch thưởng thức Trà sen Quảng An; hiện tiếp tục xây dựng điểm du lịch "Cụm di tích đình, chùa Võng Thị và mô hình làng nghề sản xuất giấy dó". Huyện Thường Tín với hoạt động du lịch ở làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân...". Trong lĩnh vực làng nghề, thành phố tập trung xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Ðông). Hai làng nghề này từ lâu đã thu hút lượng lớn khách du lịch, nay được đầu tư một cách đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hệ thống biển chỉ dẫn, xây dựng khu trung tâm giới thiệu làng nghề, xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho người dân địa phương… Dự kiến, khi triển khai, đây sẽ là những khu du lịch có quy mô quốc tế, nâng cao khả năng thu hút cũng như năng lực đón khách.

Bên cạnh đó, với việc du lịch là lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng công nghệ rất cao để quảng bá cũng như đáp ứng nhu cầu của khách, Hà Nội đã triển khai một số ứng dụng như: Cổng thông tin du lịch Hà Nội (https://sodulich.hanoi.gov.vn), phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long, khu Phố cổ... Mới đây, tại khu ẩm thực dành cho phóng viên đưa tin về Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, Ban tổ chức in tờ rơi giới thiệu về nét đẹp của từng món ăn, góc tờ rơi có mã QR. Chỉ cần lấy chiếc điện thoại thông minh quét mã QR của sản phẩm là lập tức hiện ra hàng loạt thông tin về món ăn từ nguyên liệu sản xuất, kỹ thuật chế biến, lịch sử món ăn, nét đẹp trong thưởng thức, làng nghề hay nhà hàng sản xuất… bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Những thông tin này lại được kết nối với nhiều thông tin khác về du lịch. Bắt đầu từ một món ăn, nhưng cách làm này "kéo" người xem vào một "tua" du lịch nho nhỏ qua điện thoại thông minh. Ðây là một trong những ứng dụng rất nhỏ của du lịch thông minh. Sở Du lịch đang phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án du lịch thông minh để thành phố phê duyệt, với việc đầu tư bài bản từ số hóa và cung cấp dữ liệu du lịch cho khách hàng, cho đến đầu tư về hạ tầng công nghệ.

Tuy vậy, trong khi lượng khách đến Hà Nội đông, thì phần lớn doanh nghiệp du lịch của Hà Nội có quy mô nhỏ, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn. Một số dự án khách sạn, khu du lịch trên địa bàn còn chậm, điển hình là Khu du lịch quốc gia hồ Suối Hai, Trung tâm Triển lãm quốc gia, Công viên Kim Quy; khách sạn năm sao tại khu đất số 22-24 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm). Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản chia sẻ: "Hà Nội có hơn 1.200 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động, nhưng đều là doanh nghiệp nhỏ. Chúng tôi có thể khắc phục điều này phần nào bằng việc liên kết để đáp ứng nhu cầu của khách. Tuy nhiên, nhiều khu du lịch vẫn làm ăn manh mún, có tiềm năng nhưng lại không thuê chuyên gia tư vấn, thiết kế, cho nên khu du lịch thiếu chủ đề, chất lượng hoạt động kém. Ý thức làm du lịch của người dân còn chưa cao, trong khi thái độ của người dân với khách du lịch là rất quan trọng".

Nếu không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hạ tầng, khu du lịch, cải thiện môi trường... việc lượng khách du lịch lớn đổ đến Hà Nội trong thời gian tới có thể đem lại tác dụng ngược. Bởi vậy, mới đây, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp, rà soát để giải quyết những vướng mắc trong đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch; các địa phương tích cực hơn trong việc tìm ra các sản phẩm du lịch mới; cả hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền thực hiện các quy tắc ứng xử, nhất là ứng xử nơi công cộng, nhằm xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Thủ đô.

GIANG NAM