Hội thảo quốc gia "Các vùng biển nhạy cảm đặc biệt về môi trường"

Cập nhật: 07/11/2008
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
"Triển khai xây dựng và xác định các vùng biển nhạy cảm đặc biệt" là một công cụ quản lý tổng hợp quan trọng, thúc đẩy cơ chế quản lý đặc biệt đối với các vùng biển có giá trị về mặt sinh thái, kinh tế - xã hội, văn hóa và khoa học để không bị thiệt hại bởi các hoạt động hàng hải".

Đó là nhấn mạnh của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Nguyễn Đăng Đạo tại Hội thảo quốc gia "Các vùng biển nhạy cảm đặc biệt về môi trường" diễn ra tại Đồ Sơn từ ngày 5 đến ngày 7/11/2008 do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức.

Tham dự Hội thảo có hơn 60 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Cục Hàng hải Việt Nam, Tổ chức Hàng hải Quốc tế...

Từ Hội thảo này, Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển trực thuộc tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), đưa ra sáng kiến nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các Vùng biển nhạy cảm đặc biệt để thực hiện công ước MARPOL trong việc bảo vệ các vùng biển này tránh bị ô nhiễm từ các hoạt động hàng hải và nhấn chìm chất thải ngoài biển.

Việt Nam là thành viên của IMO và công ước MARPOL có bờ biển dài trên 3.260 km với vùng biển rộng hơn 1 triệu km². Vùng ven biển, tập trung khoảng 30% dân số cả nước được xem là vùng kinh tế động lực hướng biển.

Bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm và tài nguyên sinh thái biển không bị suy thoái do các hoạt động kinh tế - xã hội gây ra, trong đó có hoạt động về hàng hải và các sự cố tràn dầu trên biển là một đòi hỏi cấp bách, lâu dài trong chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Nằm trong lãnh thổ Việt Nam, TP. Hải Phòng là cảng biển quốc tế lớn ở Vịnh Bắc Bộ có diện tích 126.250km² với hệ thống giao thông thuận lợi về đường biển có hai khu du lịch quốc gia Đồ Sơn và Cát Bà.

Kinh tế biển Hải Phòng luôn giữ vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, là một trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế hàng đầu của cả nước như: Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Hàng Hải... tập trung nhiều ngành kinh tế biển đóng tàu, công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ cảng và vận tải biển du lịch.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng cho biết, bên cạnh những tiềm năng phát triển kinh tế biển, Hải Phòng cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải về môi trường như: tốc độ CNH - HĐH ngày càng tăng nguy cơ sự cố tràn dầu, ô nhiễm môi trường biển, ô nhiễm môi trường Cảng rất cao. Yêu cầu nâng cao chất lượng hoạch định, xây dựng chiến lược biển, quy hoạch, chính sách phát triển ngành và sản phẩm có lợi thế từ biển, phát triển khoa học và công nghệ gắn liền với tăng cường và bảo vệ môi trường, lợi ích và chủ quyền của quốc gia vùng biển đảo đối với Hải Phòng hết sức cấp thiết.

Tại Hội thảo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và UBND TP. Hải Phòng cũng đề nghị IMO và các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục giúp đỡ Việt Nam triển khai dự án thử nghiệm "Xác định và lập bản đồ vùng biển nhạy cảm ở Việt Nam". Từ đó có cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển để việc quản lý, khai thác tài nguyên biển ngày càng có hiệu quả góp phần đẩy mạnh quá trình công cuộc CNH - HĐH đất nước.