Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) - Khu dự trữ sinh quyển thế giới, là 1 trong 2 vườn quốc gia (VQG) của Việt Nam hội tụ được cả rừng, biển và hang động.
Là khu trung tâm du lịch thuộc quần đảo Cát Bà nhưng VQG Cát Bà vẫn lưu giữ được những loài đặc hữu và đã được ghi tên trong sách đỏ.
VQG Cát Bà là vùng phân bố các dạng sinh cảnh tự nhiên rộng lớn, bao gồm các rạn san hô, các bãi cỏ biển, rừng ngập mặn và trên các đảo có kiểu rừng trên núi đá vôi. Do địa hình núi đá vôi hiểm trở nên nơi đây còn giữ lại một thảm rừng mưa nhiệt đới thường xanh đặc trưng của miền Bắc.
Tính đa dạng sinh học đã được biết tại đây tương đối cao. Các nhà khoa học đã ghi nhận được 199 loài thực vật nổi, 89 loài động vật nổi, 75 loài cỏ biển ở vùng Đảo Cát Bà. Theo các điều tra nghiên cứu thì Cát Bà có khoảng 32 loài thú, 69 loài chim và 20 loài bò sát và lưỡng cư.
Voọc đầu trắng hay Voọc Cát Bà có tên khoa học Trachypithecus poliocephalus, là loài đặc hữu của VQG Cát Bà, được liệt vào danh sách những loài cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Thế Giới và Sách Đỏ Việt Nam. Nó còn có một số tên gọi khác như Vọoc đầu vàng, khỉ đen… Đây là loài linh trưởng đặc hữu, không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới ngoài đảo Cát Bà với số lượng ước tính chỉ còn 50-60 cá thể. Nhưng cũng giống như nhiều loại động vật quý hiếm khác, nạn săn bắt và những tác động của con người là nguyên nhân khiến số lượng loài giảm nhanh chóng và có nguy cơ tuyệt chủng.
Vào tháng 8, 9 năm 2006, Dơi mũi xám lớn có tên khoa học là Hipposideros grandis, là một loài rất hiếm trên thế giới, lần đầu tiên được tìm thấy tại VQG Cát Bà và VQG Cúc Phương (Ninh Bình) với số lượng khoảng 300-500 cá thể ở mỗi nơi. Kết quả điều tra nói ở trên cho thấy, Dơi mũi xám lớn đang sinh sống ở Việt Nam với số lượng tương đối lớn. Theo các chuyên gia nghiên cứu về dơi, sự phát hiện loài dơi này ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng. Chúng không chỉ có ý nghĩa bổ sung về số lượng loài dơi của nước ta mà sự xuất hiện của loài dơi mới này đã tăng số lượng loài cho Việt Nam lên thành 111 loài, 7 họ, 32 giống và số lượng này vẫn còn tiếp tục kéo dài thêm nữa.
Tuy mang nhiều giá trị đặc hữu như vậy nhưng VQG Cát Bà cũng cùng chung cảnh ngộ với bao VQG khác. Tình trạng các rạn san hô trong vùng đang bị đe dọa bởi lớp bùn lắng đọng, việc đánh bắt thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt và nạn khai thác san hô. Cá bị đánh bắt cạn kiệt bởi các phương pháp khai thác không bền vững, như dùng lưới mắt nhỏ, chất độc và xung điện.
Thứ ba là hiện tượng môi trường biển đang bị ô nhiễm bởi giao thông trên biển, ảnh hưởng từ các bến cảng, khu cụm công nghiệp và từ các vùng đất sản xuất nông nghiệp ở khu vực Hải Phòng. Nhận thức về môi trường trong nhân dân địa phương thấp. Việc thiếu hệ thống cột mốc ranh giới cũng là trở ngại đối với công tác bảo tồn biển.
Một trong các mối đe dọa chính khác đối với đa dạng sinh học tại là tình trạng nuôi trồng thủy hải sản ngày càng gia tăng. Điều đó góp phần làm tăng mức độ quấy nhiễu tại khu vực, các hoạt động này là mối đe dọa tiềm tàng ô nhiễm chất hữu cơ và nguồn gây bệnh. Các áp lực lên hệ sinh thái biển đang ngày càng tăng do tình trạng tăng dân số và phát triển kinh tế tại đảo Cát Bà, bao gồm cả việc di trú của các nhóm ngư dân đến khu vực.