Tìm lời giải cho bài toán rác thải nhựa nơi đảo xa - Kỳ II: Điểm sáng Cù Lao Chàm

Cập nhật: 22/04/2019
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
Trong bộn bề những khó khăn của công tác xử lý rác thải nói chung và cuộc vận động nói không với túi ni lông nơi đảo xa, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường thực sự ấn tượng với cách làm môi trường ở đảo Cù Lao Chàm (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Khi được hỏi về kinh nghiệm để thành công trong các câu chuyện cách đây hàng thập kỷ, ai ai ở xã đảo Tân Hiệp đều nói: Cù Lao Chàm không thể có được diện mạo như hiện nay nếu thiếu sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền cơ sở và đặc biệt là vai trò gương mẫu đi đầu của Đảng viên trên đảo.

Một góc Cù Lao Chàm

Quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền cơ sở

Trò chuyện với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Thanh Hải - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hiệp cho hay: Kể từ ngày Đảng bộ xã Tân Hiệp thành lập, truyền thống “Đảng với dân, dân với Đảng” luôn được giữ gìn và phát huy. Còn nhớ những ngày đầu tiên phát động phong trào nói không với túi ni lông năm 2009, Bí thư Thành ủy Hội An - ông Nguyễn Sự trực tiếp dành cả tuần ra tận đảo.

“Bí thư Thành ủy Hội An đưa ra sáng kiến, rồi đề nghị họp Thường vụ Đảng ủy xã Tân Hiệp. Liên tục trong các cuộc họp, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, vận động Đảng bộ Chính quyền và Đoàn thể xã Tân Hiệp bám Chỉ thị số 37-CT/TV của Thành ủy Hội An về “Giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi ni lông tại Cù Lao Chàm”, đồng thời, tăng cường sự giám sát nhân dân. Ban đầu, cũng có ý kiến này nọ, nhưng khi nghe phân tích của đồng chí Nguyễn Sự về lợi ích khi không sử dụng túi ni lông, ai cũng thấy hợp lý, vì vậy, Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết về việc không sử dụng túi ni lông trên đảo…” - Phó Bí thư Trần Thanh Hải nhớ lại.

Người dân Cù Lao Chàm đi chợ với hộp nhựa, làn nhựa thay túi ni lông

Sau khi bàn bạc kỹ, lấy ý kiến nhân dân, Bí thư Đảng ủy xã bấy giờ là đồng chí Lâm Văn Từng đã quyết thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Giảm thiểu tiến tới không sử dụng túi ni lông” trên địa bàn xã Tân Hiệp. Chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, đồng thời, phân công cán bộ kiểm tra từng thôn, theo dõi tận chợ, tuyên truyền vận động thuyết phục, giải thích để người dân hiểu rõ chủ trương, giảm thiểu túi ni lông. Đây là chủ trương phục vụ cho từng người, từng hộ, bởi khi môi trường biển sạch, cá có rạn san hô làm chỗ núp bóng núp thân, ngư dân đánh được con cá có cái ăn, rồi làm du lịch giúp cải thiện đời sống. Nhờ vậy, người dân ở Cù Lao Chàm đã tích cực tham gia, sử dụng các vật liệu thay thế túi ni lông...

Nói là làm, ngày ấy, Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự đã đồng hành với lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ, Chính quyền và các đoàn thể xã Tân Hiệp trực tiếp đi phát làn nhựa, cặp lồng cho bà con trên đảo, đồng thời, tuyên truyền bà con không dùng túi ni lông. Những ngày đó, Bí thư Thành ủy Hội An, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch MTTQ xã Tân Hiệp thay nhau ngồi ngay ở ngoài cổng chợ Tân Hiệp, nếu ai không mang giỏ nhựa mà đi tay không, hay sử dụng túi ni lông để đựng đồ đều được các cán bộ, đảng viên “mời” về nhà lấy làn nhựa mới được vào chợ.

Đảng bộ, chính quyền quyết liệt, chỉ vài ngày người dân đã hiểu cách làm và ủng hộ, ý thức của người dân đã thành một nếp sinh hoạt tốt, một nhu cầu thực sự. Để nhu cầu đi vào thực tiễn, ngày ấy, ở Cù Lao Chàm “vượt rào” bằng một quy định: “Nếu gia đình nào có người sử dụng túi ni lông - nhà đó sẽ không được công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”, thôn đó không được công nhận “thôn văn hóa”. Còn với các hộ dân ở chợ, nếu phát hiện túi ni lông sẽ bị xử phạt, nếu bị xử phạt đến lần thứ hai, hộ kinh doanh đó sẽ không được vào chợ trong cả tuần tiếp theo.

Thanh niên trên đảo gấp túi bằng giấy và báo cũ

Nhớ lại những ngày ấy, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự người có đóng góp rất lớn cho sự đổi thay ở Cù Lao Chàm cho rằng, môi trường là vấn đề cực kỳ khó khăn, phức tạp và Đảng viên phải đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giải quyết bài toán môi trường. “Đảng viên phải làm trước, để bà con noi gương đi theo. Đồng thời, Đảng viên phải theo sát quần chúng, bởi chính họ, cũng giúp cho mình biết phải làm gì tiếp theo” - ông Nguyễn Sự chia sẻ.

Bài học “lấy dân làm gốc”

Bãi Ông - Cù Lao Chàm đang mùa du lịch, du khách từ khắp nơi về vui chơi, thế nhưng trên những bờ cát thoai thoải sạch bong không một cọng rác, túi ni lông. Cùng phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường dạo một vòng quanh bãi biển, ông Trần Ngọc Khuyến, nguyên là Bí thư Chi bộ thôn Cấm (nay là thôn bãi Ông), Cù Lao Chàm không giấu diếm niềm tự hào: Cù Lao Chàm từ khi được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, người dân bắt đầu “nói không với túi ni lông”, bảo vệ từng con cua, tổ yến đến rạn san hô bằng cả tấm lòng.

Ông Trần Ngọc Khuyến chia sẻ: Nếu không tạo được sự đồng thuận từ Đảng bộ đến nhân dân thì khó triển khai những cuộc “cách mạng môi trường”, bởi sau giải phóng, Tân Hiệp là một ốc đảo nghèo nàn, cư dân thưa thớt, thiếu đói, cách trở giao thông và ô nhiễm môi trường trầm trọng. “Ban đầu không phải ai cũng nghe, bởi xách cái túi ni lông tiện quá, mua nước bún, phở bỏ vô cũng tiện. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, tôi vận động tất cả đảng viên phải tiên phong thực hiện nói không với túi ni lông. Nó trở thành chỉ tiêu bình xét đảng viên hàng năm...” -  ông Trần Ngọc Khuyến chia sẻ.

Thanh niên trên đảo phát túi cho tiểu thương trong chợ. Cả chợ không có bóng một chiếc túi ni lông

Những gian nan ban đầu cũng qua tạo thành thói quen cho người dân. Gần mười năm trôi qua, ra Cù Lao Chàm, nếu nhìn thấy một chiếc túi ni lông là điều hiếm có. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp - Huỳnh Anh chia sẻ: Cù Lao Chàm sẽ trở thành “túi rác” khi gánh đủ loại rác từ rác thải sinh hoạt, du lịch, đến rác trôi nổi dạt vào bờ nếu như người dân không có ý thức.

Do vậy, chủ trương của thành phố là hợp với lòng dân. Việc nói “không” với túi ni lông, không chỉ làm “sạch” Cù Lao Chàm trong mắt du khách, mà cá tôm cũng đã bắt đầu về lại với ngư dân khi vùng biển hoàn toàn sạch. Ngư dân có thêm thu nhập từ việc “nói không với túi ni lông”. Bảo vệ môi trường, không sử dụng túi ni lông là việc sống còn của người dân Cù Lao Chàm.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hiệp (bìa phải) trả lời phỏng vấn nhóm PV
Báo Tài nguyên và Môi trường

Chính sự sự đồng thuận “Ý Đảng, lòng dân”, “Đảng viên đi tiên phong” trong bảo vệ môi trường đảo sạch đẹp, Cù Lao Chàm đã và đang trở thành thương hiệu du lịch hấp dẫn với các phong trào: “Nói không với túi ni lông”, “Dán nhãn sinh thái cua đá” và mới nhất là “Nói không với ống hút nhựa”. Những năm qua, đời sống của người dân trên đảo được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm. Năm 2018, lượng khách đến tham quan Cù Lao Chàm đạt gần 400.000 lượt dù đã có giới hạn lượng khách ra đảo. Ngành du lịch - dịch vụ - thương mại tiếp tục giữ vai trò chủ đạo cho kinh tế xã đảo với tổng giá trị sản xuất đạt hơn 56,78 tỷ đồng.

Cù Lao Chàm mùa này, nước biển xanh trong đến tận đáy, cát trắng trải dài và gió thổi lồng lộng mang vị mặn mòi của biển. Với những quyết sách đúng đắn, sâu sát của chính quyền và sự đồng thuận của cư dân trên đảo đã và đang làm nên một Cù Lao Chàm ngày càng xanh, sạch đẹp hơn, xứng đáng là “hòn ngọc” của biển Đông.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An: “Từng bước xây dựng nhà hàng, khách sạn,  khu dân cư không túi ni lông”

Ông Nguyễn Văn Sơn

Từ năm 2009, TP. Hội An đã xác định xây dựng Hội An theo mô hình thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch, trong đó, Hội An luôn đề cao xây dựng môi trường xanh sạch đẹp và từ đó lấy Cù Lao Chàm làm thí điểm.

Nhiều năm qua, TP. Hội An chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền, vận động, đến sử dụng chế tài để người dân và các tiểu thương nói không với túi ni lông, sử dụng các vật liệu thay thế từ lá. Từ đó đến nay, Cù Lao Chàm đã thực hiện khá tốt mô hình này, trở thành một điểm sáng.

Trong thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh quyết tâm thực hiện thành công Cù Lao Chàm không ống hút nhựa, các sản phẩm nhựa một lần, tăng cường sử dụng các vật liệu thay thế thông qua việc vận động sử dụng ống tre, ống sậy, không sử dụng chai nước 1 lần. Ngoài ra, chúng tôi triển khai chương trình quy mô phân loại rác, thay thế những vật liệu nhựa thân thiện môi trường như túi giấy, túi vải. Chúng tôi quyết tâm từng bước xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu dân cư không túi ni lông tại Hội An.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: “Chặn túi ni lông ngay từ cảng Cửa Đại”

Ông Nguyễn Văn Vũ

Vài năm gần đây, Khu Bảo tồn biển đã ghi nhận một số trường hợp rùa về trong vùng biển ở Cù Lao Chàm. Điều này cho thấy, môi trường ở Cù Lao Chàm đã thân thiện, vì theo đánh giá của các nhà khoa học, khi rùa về nơi nào, chỉ số môi trường ở đó rất tốt.

Đến bây giờ, tôi cho rằng, vấn đề rác thải, môi trường ở Cù Lao Chàm đã cơ bản tốt hơn so với nhiều hòn đảo khác trong cả nước.

Ông Phùng Văn Đàn -  Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cô Tô,  tỉnh Quảng Ninh: “Chúng tôi sẽ học tập cách làm của Cù Lao Chàm”

Ông Phùng Văn Đàn

Từ đầu năm 2018, huyện Cô Tô đã triển khai thực hiện Đề án “Hạn chế việc sử dụng túi ni lông trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2017 - 2020” để bảo vệ môi trường biển đảo. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) là địa phương thực hiện rất tốt việc này.

Do đó, đoàn chúng tôi từ Quảng Ninh vào Hội An để học tập kinh nghiệm bước đầu trong công tác tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni lông. Bước chân lên đến đảo Cù Lao Chàm, ấn tượng là quang cảnh ở đây rất tuyệt vời. Hai bên đường, quán xá từ cầu cảng đến UBND xã không thấy bóng dáng của túi ni lông. Đặc biệt, với đặc thù là một xã đảo nằm ở phía Nam là nơi “gánh” rác thải từ nhiều nguồn thế nhưng biển ở rất xanh, sạch. Đây là điều đáng để chúng tôi học tập Cù Lao Chàm để Cô Tô có thể trở thành đảo xanh - sạch - đẹp.

 

Bài và ảnh: Việt Hùng - Lan Anh