Nhức nhối nạn buôn bán sừng tê giác

Cập nhật: 24/11/2008
Nguồn: Thiennhien.Net
Ngày 15/1/1994, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 121 tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Sau 14 năm, tình hình buôn bán động vật hoang dã nói chung và sừng tê giác nói riêng ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Luật pháp và chính sách của Việt Nam đã thể hiện rất rõ quyết tâm của nhà nước trong việc bảo vệ động vật hoang dã, nhưng nhiều người Việt Nam lại chưa thể hiện được quyết tâm đó, trớ trêu thay, những người vi phạm đôi khi lại chính là những đại diện cho hình ảnh Việt Nam.

Loài tê giác hiện đang bị xếp vào nhóm nguy cơ tuyệt chủng cao bậc nhất trong Sách Đỏ. Mua bán sừng tê giác được coi là hành vi phạm pháp ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tình hình buôn bán sừng tê giác lâu nay không chỉ nhức nhối trong nước mà còn diễn ra ngấm ngầm qua những đường dây đến và từ nước ngoài. Đối tượng buôn bán món hàng quý hiếm này cũng muôn hình đủ vẻ, từ những con buôn lậu chuyên nghiệp đến sinh viên, công chức..., đặc biệt nghiêm trọng hơn là với chính những người đại diện cho hình ảnh Việt Nam...

Cách đây 2 năm ông Nguyễn Khánh Toàn, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, bị phát giác có hành vi buôn lậu gần 9kg sừng tê giác, được cho là trị giá hàng trăm ngàn USD.

Mới đây nhất, chương trình điều tra 50/50, một chương trình truyền hình về quan hệ giữa con người và tự nhiên của kênh truyền hình SABC, Nam Phi tối 17/11 đã phát đi cảnh một nhân viên sứ quán Việt Nam trao đổi sừng tê giác lậu với một tay buôn có tiếng ở Nam Phi ngay trước cổng sứ quán.

Đại sứ quán Việt Nam ở Nam Phi sau đó đã chính thức xác nhận bí thư thứ nhất sứ quán Vũ Mộc Anh là người trong đoạn băng ghi hình và bà Mộc Anh sau đó đã bị Bộ Ngoại giao Việt Nam triệu hồi về nước để tường trình và làm rõ sự việc.

Chủ trương Việt Nam là nghiêm khắc xử lý mọi hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Luật pháp và chủ chương của nhà nước rất chặt chẽ và minh bạch, nhưng có rất nhiều nguyên do khiến hoạt động buôn bán động vật hoang dã và hẹp hơn là buôn bán sừng tê giác còn diễn biến phức tạp.

Một trong những lý do khiến buôn bán sừng tê giác trở nên khó kiểm soát chủ yếu vì mức siêu lợi nhuận của loại hình buôn bán này (chỉ đứng sau buôn bán ma túy và kim cương). Giá 1 kg sừng tê giác tại Nam Phi khoảng 13.000 USD về tới Việt Nam có thể bán tới 20.000 USD và giá có thể cao hơn khi chuyển tới các thị trường Châu Á khác.

Ngoài ra, có lẽ phải kể đến ý thức bảo vệ động vật hoang dã của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam đặc biệt là trước sức hút của vị thuốc thần diệu mang tên “sừng tê giác”, bởi có “cầu thì mới có cung”.

Tháng 4 năm 2006, trong khuôn khổ Dự án "Thay đổi hành vi - Giảm tiêu thụ các sản phẩm động thực vật hoang dã tại Hà Nội, Việt Nam”, Tổ chức WWF (Quỹ Động Thực vật Hoang dã toàn cầu) và TRAFFIC (Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động thực vật hoang dã Thế giới) đã tiến hành cuộc khảo sát đầu tiên về tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam trên 2000 hộ dân ở Hà Nội. Kết quả khảo sát cho thấy, cứ hai người dân Hà Nội thì có một người đã và đang tiêu thụ động vật hoang dã bằng nhiều hình thức như làm thuốc bổ, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức hay đơn giản chỉ là cho một bữa ăn bổ dưỡng...

Thêm vào đó, WWF và TRAFFIC cũng cho biết Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại Đông Nam Á bởi tài nguyên thiên nhiên giàu có, nhu cầu tiêu dùng động vật hoang dã cũng tăng cùng mức sống của người dân, đặc biệt Việt Nam là điểm trung chuyển trong đường dây buôn bán các sản phẩm động thực vật hoang dã của các nước láng giềng.

Việc buôn bán động vật hoang dã nói chung và buôn lậu sừng tê giác hiện vẫn diễn ra rất phức tạp tại Việt Nam. Thật lạ là trong khi buôn bán sừng tê giác bị coi là phạm pháp thì các tin rao bán sừng tê giác vẫn ngang nhiên hiện hữu trên một số trang web với đầy đủ số điện thoại, địa chỉ email và đôi khi thậm chí cả địa chỉ liên hệ của người rao bán (?).

Góp thêm một mảnh ghép vào bức tranh toàn cảnh không mấy sáng sủa của công tác bảo tồn động vật hoang dã, việc Nam Phi phát giác hoạt động buôn bán sừng tê giác mới đây của nhân viên sứ quán Việt Nam có lẽ là một sự cảnh tỉnh, một bài học đau thương đối với Việt Nam trong việc quản lý hoạt động buôn bán động vật hoang dã vì đã không còn là lúc “đóng cửa bảo nhau” nữa.