Người Cần Giờ muốn nuôi tôm sinh thái

Cập nhật: 10/12/2008
Nguồn: Thiennhien.Net
“86% người dân nuôi tôm ở Cần Giờ được phỏng vấn chưa biết nhãn sinh thái là gì, trong đó 6% hoàn toàn không quan tâm đến sản phẩm dán nhãn sinh thái.

Sau khi được giới thiệu mô hình tôm sinh thái ở Cà Mau, 88% người dân cho biết muốn chuyển đổi sang mô hình này” - đây chính là kết quả của cuộc khảo sát sự quan tâm của người nuôi tôm đến mặt hàng tôm sinh thái do nhóm sinh viên trường ĐH Hồng Bàng thực hiện tại 3 xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn của huyện Cần Giờ trong năm qua.

Không biết nên không quan tâm

Trong những năm gần đây nghề nuôi tôm sú ở Cần Giờ đã trở thành một trong những thế mạnh kinh tế của huyện. Người dân nơi đây bắt đầu nuôi từ những năm 1998 – 1999 nhưng cho tới nay “nhãn sinh thái” vẫn còn là một cụm từ xa lạ với họ. Người dân chủ yếu là thuê đất hoặc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm lấy lợi nhuận “nóng” trong vài ba năm, sau đó khi môi trường bị ô nhiễm, lượng tôm bệnh càng nhiều thì họ bỏ đi thuê nơi mới. Chính tập quán canh tác này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

Phản ánh thực trạng này, người dân cho biết thời gian trở lại đây lượng nước ngày càng bị ô nhiễm và khó kiểm soát. “Dù xử lý đến đâu thì vẫn không thể làm nước hết ô nhiễm được. Nước ô nhiễm nên tôm bệnh, sản lượng thấp hơn, nhiều nhà bị thua lỗ” - đó là tâm sự của chú Năm Hoánh ở xã Bình Khánh huyện Cần Giờ. Vậy nên, số lượng người dân bỏ mặc ao nuôi trồng ngày càng nhiều và diện tích phá rừng nuôi tôm tăng lên rõ rệt trong thời gian ngắn, chủ yếu diễn ra ở xã Lý Nhơn.

Kết quả khảo sát cho biết hầu hết các hộ nuôi đều nhận thức được rằng mô hình nuôi tôm hiện nay mặc dù mang lại siêu lợi nhuận một cách nhanh chóng nhưng cũng để lại hậu quả không dễ gì khắc phục, môi trường bị tàn phá, sản lượng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong tương lai.

Hướng gợi mở cho người nuôi tôm

Với mục đích đáp ứng nhu cầu về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng kết hợp với việc bảo vệ môi trường, tạo mối quan hệ bền vững giữa con người và thiên nhiên, năm 1999 - 2000 Cà Mau đã tiên phong xây dựng và thí điểm mô hình nuôi tôm sinh thái được chứng nhận và dán nhãn thực phẩm sinh thái. Đây chính là bước đi đầu tiên của ngành thuỷ sản Việt Nam trong việc chọn hướng đi mới với những sản phẩm mang tính an toàn hơn để hướng đến thị trường toàn cầu.

Quá trình phỏng vấn cho thấy một số ít người nuôi tôm đã thực hiện được những mô hình đảm bảo nuôi tôm thiên nhiên, chất lượng cao và thân thiện với môi trường, song vì còn nhỏ lẻ, manh mún nên không đủ điều kiện tạo thương hiệu. Phần đông người nuôi tôm bắt đầu có suy nghĩ muốn chuyển đổi sang mô hình mới vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa thân thiện với môi trường mà lại duy trì được lâu dài.

Tùy vào tầm nhìn của mỗi hộ nuôi trồng, vì quyền lợi trước mắt hay lâu dài mà chọn hình thức nuôi tôm phù hợp. Chuyến khảo sát mức độ quan tâm của người dân đối với mặt hàng tôm được dán nhãn sinh thái tại 3 xã cho thấy 88% người dân rất quan tâm và muốn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm sinh thái nếu được ký hợp đồng chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2006 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), điều này đã giúp cho Việt Nam mở rộng thị trường, các thương hiệu của Việt Nam có điều kiện cạnh tranh lành mạnh trên trường quốc tế. Trong đó, chúng ta không thể không kể đến một thách thức lớn cho Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường này là “rào cản xanh”.

Chính vì vậy, việc cấp thiết trước mắt chính là xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về nhãn sinh thái mà nền tảng chính là các tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới. Hệ thống tiêu chuẩn nhãn sinh thái của nước ta phải mang tính linh hoạt, phù hợp với tình hình trong nước và được thế giới chấp nhận. Điều này không chỉ nâng cao tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước mà còn giúp chúng ta nâng cao năng lực, bảo vệ môi trường, xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội nước nhà.