Vườn chim - cò ở miền Tây cần được bảo vệ

Cập nhật: 21/01/2009
Nguồn: Báo Hậu Giang
Khi hoàng hôn về, cảnh vật như được nhuộm thêm một màu vàng lộng lẫy, không gian yên ắng và thanh bình...

Xa xa là một vệt dài chân vườn, nơi trú ngụ về đêm của hàng chục ngàn con chim, cò đủ loại tề tựu về vườn để tìm giấc ngủ sau một ngày kiếm mồi mệt nhọc. Chạng vạng tối, tiếng kêu réo gọi nhau của các loài chim tại một vườn cò nào đó nghe thật êm tai, giống như một bản giao hưởng tự nhiên của thiên nhiên ban tặng.

Ở miền Tây có nhiều vườn cò, sân chim; đây là những điểm tham quan du lịch sinh thái tuyệt vời, đáp ứng nhu cầu khám phá của con người với thiên nhiên hoang dã. Vào mùa nước nổi, du khách có thể chạy xe máy dọc theo Quốc lộ 91, du khách sẽ đến vườn cò Bằng Lăng (xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), nơi được xem là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của Cần Thơ. Buổi chiều, đứng trên “vọng điểu”, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh đẹp của vườn cò Bằng Lăng (diện tích khoảng 1,2 ha) - nơi hàng ngày có ít nhất 300.000 con cò và nhiều loại chim khác đua nhau bay về sân vườn làm tổ, trú ngụ.

Ông Nguyễn Ngọc Thuyền, chủ vườn cò Bằng Lăng, nhớ lại: Vườn cò này hình thành vào đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 vì vùng này trước kia là ruộng lúa, quanh bờ là tre trúc, tầm vông, dừa nước, trâm bầu, cồng và mù u... nên đây là điều kiện tốt để những con cò nghỉ ngơi, sinh sống. Ban đầu, khu vực này chỉ có mấy con. Dần dà, khu vườn nhà ông có hàng chục ngàn con chim cò đến ở. Từ đó, ông trồng thêm cây, mở rộng diện tích, phát triển trên 20 loại chim - cò (hiện tại trên 100.000 tổ đang ấp trứng, nở con), chẳng hạn như: cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm, diệc, vạc, bồ nông, cuốc (quốc), cồng cộc, bìm bịp, điên điển, bạc má... Từ đó, vườn cò Bằng Lăng là điểm du lịch hấp dẫn trong vùng thời gian qua.

Du khách cũng có thể đi xe máy theo hướng Rạch Giá để vào chiêm ngưỡng vườn chim Mong Thọ của huyện Châu Thành - Kiên Giang. Cách Rạch Sỏi khoảng 10km, rẽ trái ngay dốc cầu Chung Sư (Cầu Móng) để len lỏi vào con đường rải đá nho nhỏ khoảng 4km nữa là đến ấp Phước Trung, xã Mong Thọ B. Theo anh Quách Thanh Hồng - chủ vườn chim Mong Thọ cho biết: Vườn rộng gần 50 công đất, trước đây và hiện tại là đất cầm thủy - lung bàu, không trồng lúa được; bởi vậy, anh trồng tràm và thế là chim - cò kéo về sinh sống. Nhờ sinh cảnh phù hợp và anh Hồng ra sức bảo vệ nên chim cò ở vườn chim này ngày càng đông. Anh đã làm đường đi cho du khách dạo quanh vườn cò ngắm cảnh, chụp ảnh, quay phim. Để thu hút du khách, anh Hồng còn cất ngay căn lều lá rất thoáng mát, có lót giạt tre ngay tại vườn chim để du khách nghỉ ngơi sau khi ngắm chim trời...

Theo thống kê sơ bộ cho thấy: Ở An Giang có rừng tràm Trà Sư; ở Kiên Giang có vườn quốc gia U Minh Thượng, vườn chim Mong Thọ; ở Bến Tre có sân chim Vàm Hồ; ở Bạc Liêu có sân chim Bạc Liêu, còn ở Cà Mau có trên 19 vườn (khoảng 60.000 con thuộc 24 họ, 60 loài). Tuy vậy, số lượng này không bằng số lượng tổng đàn chim ở sân chim Đầm Dơi lúc sung túc nhất lên đến 100.000 con các loại vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20 ở Cà Mau.

Nên chung sức bảo vệ!

Gần đây, tình trạng săn bắt cò vẫn xảy ra, đồng nghĩa với mối nguy cơ giảm số lượng các loài này. Ông Nguyễn Ngọc Thuyền, chủ vườn cò Bằng Lăng nói rằng, khả năng nâng cấp vườn bị hạn chế bởi cũng cần nhiều kinh phí đầu tư. Trong khi đó, số tiền thu được từ việc bán vé vào vườn cò, kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng như những thứ khác không nhiều.

Không những thế, các vườn cò khác trong vùng cũng bị xâm hại. Tình trạng “cò tặc” xuất hiện tại vườn chim Bạc Liêu, lén bắt những con chim quý hiếm như: diệc lửa, giang sen..., xảy ra ngày càng nhiều. Theo cảnh báo chung, từ những năm đầu thế kỷ 21 này, một số sân chim, vườn chim trong vùng ĐBSCL dần dà bị xâm hại, ảnh hưởng rất lớn đến số lượng chim cò. Nguyên nhân do con người tác động đến hệ sinh thái như: phá cây, phá vườn, phá rừng... cộng với sự lén lút săn bắt chim bừa bãi, làm xáo trộn môi trường của sân chim. Một số chủ vườn chim coi đây là tài sản riêng của mình nên họ bắt chim non, lấy trứng ăn và bán vô tội vạ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số lượng chim ở các sân, vườn chim giảm sút.

Nói đến miền Tây là phải nói đến tài nguyên thiên nhiên: chim, cò mà thiên nhiên đã ưu đãi. Thế nên, từng địa phương cần khôi phục lại cảnh quan cây cối (rừng ở vùng nước mặn) để tạo môi trường sinh thái ổn định thật sự là môi trường sống an toàn cho các loài chim; ban hành các quy định cho những hộ dân ý thức giữ gìn các sân chim, để bảo vệ và phát triển bầy đàn; đầu tư các giếng nước ngọt trong những sân chim vùng ngập mặn giúp loài vật này có đủ nước uống trong mùa khô, mùa sinh sản; cần có quy định việc săn bắt chim. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các nhà khoa học nên có những giải pháp đồng bộ nhằm phát triển bầy đàn chim tự nhiên, để vùng ĐBSCL nói chung đúng là nơi đất lành chim đậu. Bởi vì ngoài chuyện bảo tồn, các sân chim, vườn cò còn là những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách mọi miền.