Cần quan tâm hơn đến những bức tường xanh chắn sóng

Cập nhật: 03/02/2009
Nguồn: Thiennhien.Net
Với ưu thế địa hình có đường bờ biển dài, Việt Nam là một trong số các quốc gia có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng và phong phú trên thế giới. Những dải rừng ven biển này là điểm dừng chân của những cánh chim di cư, nơi nuôi dưỡng các loài hải sản và là ngôi nhà sinh thái của nhiều loài động vật.

Từ bao đời nay, cuộc sống của hàng triệu người dân nghèo vùng biển nương tựa và được che chở trước bão táp phong ba cũng nhờ rừng ngập mặn. Ấy vậy mà trong khi cả thế giới đang lo lắng về biến đổi khí hậu và sôi sục tìm kiếm những giải pháp hạn chế và trong khi Việt Nam được đặt trong cảnh báo đặc biệt của quốc tế về nguy cơ phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu thì đôi lúc chúng ta lại quên rằng chúng ta có một cứu cánh đặc biệt, đó là những cánh rừng ngập mặn.

ThienNhien.Net đã có buổi gặp gỡ đầu năm với Gs. TSKH Phan Nguyên Hồng – chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu rừng ngập mặn (RNM) của Việt Nam. Với bề dày cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và bảo tồn RNM trong 44 năm qua, ông đã được vinh dự trao giải thưởng quốc tế Cosmos - 2008.

- Thưa Giáo sư, là một chuyên gia lâu năm về nghiên cứu RNM, xin ông đánh giá một cách tổng quan về tình trạng hiện nay của RNM Việt Nam?

Trước hết, chúng ta cần ghi nhận một điều đáng mừng, đó là là ý thức của cán bộ, của người dân đã được nâng lên so với trước. Kể từ mấy cơn bão năm 2005 và sau này là một số đợt lũ lụt, triều cường thì người ta đã nhận thấy rõ ràng hơn rằng nơi nào có RNM thì bảo vệ được đê điều tốt. Đê không bị vỡ hoặc bị xói lở dù chỉ là đê đất, trong khi ở những nơi không có rừng thì thiệt hại nặng nề hơn, vỡ đê điều. Những năm trước đây, đê vùng Thái Bình, Nam Định yếu nhưng nhờ dải RNM được trồng từ năm 1994 ở Thái Bình và năm 1997 ở Nam Định nên trải qua đợt bão lớn năm 2005 đê vẫn an toàn.

Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản và Tổ chức phục hồi RNM Nhật Bản (ACTMANG), 8 tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh đã trồng được khoảng 22.000ha. Đến nay, con số này cũng có giảm đi, phần do hà bám cây bị chết, do những người đi thuyền chặt dọn đường hoặc một số người phá làm đầm nuôi vạng. Tuy nhiên, cũng chưa có ai tính chính xác được lượng giảm đi là bao nhiêu.

Diện tích RNM cũng gia tăng nhờ dự án 327 và Chương trình 5 triệu ha rừng của Chính phủ. Những dự án này có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt do người ta trồng nhưng không để ý việc quản lý, không trồng dặm, có những diện tích bị chết nhưng cũng không được thông báo lại với cấp quản lý. Sự khác biệt giữa rừng thuộc dự án 327, chương trình 5 triệu ha và rừng do các tổ chức phi chính phủ trồng và quản lý chỉ có thể nhận rõ khi ra thực địa và đối chiếu.

Chẳng hạn ở huyện Thái Thụy của tỉnh Thái Bình, đoạn từ xã Thụy Hải đến Thụy Xuân, Thụy Trường cho thấy rất rõ bên RNM của Hội Chữ thập đỏ thì cây sinh trưởng tốt, không bị phá, còn nơi có gắn biển xi măng Chương trình 327 rừng thì thấy mất từng mảng một, đất trống nhiều, đặc biệt chỗ thuyền bè thường xuyên qua lại. Điều đó cho thấy quản lý của ta còn yếu.

Ở miền Trung, các địa phương bắt đầu có ý thức phục hồi rừng nhưng chưa đầu tư. Chẳng hạn như Khánh Hòa trước có hơn 2.000ha RNM, sau khi phá chỉ còn chưa đầy 100ha. ACTMANG đã đầu tư để dần dần phục hồi. Chương trình 5 triệu ha cũng được triển khai ở đây nhưng mới được diện tích nhỏ.

Vùng đầm Thị Nại của tỉnh Bình Định trước có khoảng hơn 1000 ha, nhưng nay còn rất ít. Rừng bắt đầu hồi phục nhưng không phải do bên lâm nghiệp tổ chức trồng mà do bên thủy sản đứng ra thực hiện bởi họ muốn bảo vệ bờ đầm tôm khỏi xói lở và tăng nguồn lợi tôm cá. Sở Thủy sản đã động viên bà con trồng rừng, tuy nhiên cũng chỉ nhỏ lẻ, rời rạc.

Một số chỗ khác bị phá hết nay cũng bắt đầu phục hồi, nhờ các chương trình hỗ trợ của ACTMANG và nhà nước, nhưng chưa thấm vào đâu. Phú Yên cũng đang muốn phục hồi rừng nhưng mới chỉ là đề xuất thôi.

Còn trong Nam, tình trạng phục hồi RNM có tốt hơn. Nhờ vậy mà chúng ta đã thành lập được Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, cây giờ đã 11 năm tuổi. Ở các đảo vốn có rừng tự nhiên cũng được bảo vệ hiệu quả hơn, như đảo Hòn Trong, đảo Hòn Ngoài, Cửa Ông Trang, mặc dù đây đó vẫn còn rải rác tình trạng chặt cây, làm đầm tôm nhỏ.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng vậy, nhiều nơi rừng đã được bảo vệ tốt.

Tuy nhiên, nhìn chung tình trạng phá rừng vẫn còn chưa dứt hẳn vì vẫn còn nhiều người dân thiếu đất, những người di cư, dân vùng ven biển còn khó khăn nên vẫn lén lút phá rừng. Dẫu sao thì tình trạng phá rừng diện tích lớn và công khai tràn lan nay đã giảm nhiều.

- Hiện nay, các kịch bản và kế hoạch đối phó, thích nghi với biến đổi khí hậu đã bắt đầu được Nhà nước xây dựng. Thưa Giáo sư, liệu công tác bảo vệ và phát triển RNM sẽ được quan tâm ra sao?

Mặc dù là cơ quan chuyên nghiên cứu RNM nhưng vì không được mời tham gia nên chúng tôi không có nhiều thông tin. Gần 2 năm trước, ngày 08/05/2007, Văn phòng Chính phủ có ra Thông báo số 98/2007/TB – VPCP nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về Đề án phục hồi và phát triển hệ sinh thái RNM ven biển nhằm bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai giai đoạn 2007-2015 nhưng theo tôi được biết đến nay vẫn chưa triển khai.

Trước khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ thì Đề án nghiên cứu phục hồi RNM nằm trong Chương trình quản lý đất ngập nước do Bộ TNMT chủ trì, sau này Đề án RNM được chuyển cho Bộ NN&PTNT. Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái RNM (MERC) chúng tôi ban đầu được Bộ TNMT giao lập tổng quan chiến lược nhưng sau này có sự thay đổi về chủ thể quản lý nên thôi.

Gặp gỡ với các lãnh đạo của Bộ NN &PTNT gần đây tôi có hỏi vấn đề này nhưng chưa có ai trả lời. Đáng tiếc là sau gần 2 năm, các hoạt động về đất ngập nước đã được triển khai nhiều nhưng đề án phục hồi và phát triển RNM thì hình như chưa tiến hành được.

Trong vấn đề nước biển dâng, khi có RNM sẽ hạn chế thiệt hại rất nhiều, thực tế ở nhiều nơi đã cho thấy chỗ nào có RNM thì đê không bị phá vỡ, cho dù đê yếu.

Trong thời gian qua, đê của ta đã được củng cố nhiều với tổng đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Nhưng dù có bê tông hóa đê mà không có RNM bảo vệ thì cũng sẽ bị phá vỡ, vì cốt đê của ta chưa đủ sức chịu đựng bão lớn cấp 11,12. Nếu có RNM thì sẽ tạo ra tấm thảm cản được sóng. Các nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái RNM (MERC) trong năm qua đã cho thấy nơi nào có RNM bảo vệ, và tùy cấu trúc của rừng sức tàn phá của sóng giảm từ 75-86%.

Vấn đề này cũng đang được tiếp tục nghiên cứu ở Hải Phòng nhưng cũng gặp nhiều khó khăn vì kinh phí hạn hẹp. Nếu không được quan tâm thì rất đáng lo ngại. Ai cũng biết nhưng không phải ai cũng muốn làm vì phải tiến hành nghiên cứu trong thời gian có bão lũ.

Mong ước nghiên cứu vai trò của RNM trong việc chống bão của tôi đã có từ lâu nhưng mới thực hiện được 2 năm nhờ sự đóng góp nhiệt tình của nghiên cứu sinh. Có những đề tài lớn, như nghiên cứu khả năng giảm thiểu khí các-bon-níc Trung tâm chúng tôi cũng đã triển khai trong những năm gần đây nhưng chỉ trong phạm vi một số rừng trồng. Nếu được nhà nước quan tâm và có người thực hiện thì sẽ rất ý nghĩa. Không biết rằng trong ngân sách 2000 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, người ta có dành kinh phí cho những nghiên cứu như thế không?

Trong 5 chương trình về biển giai đoạn 1 nay đã kết thúc, không có đề tài nào về RNM. Ở giai đoạn tiếp theo chúng tôi cũng đề nghị mãi nhưng cũng không có đề tài nào cụ thể.

- Trong bối cảnh mới có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, rừng ngập mặn có cần được tách riêng để quản lý, hoặc có một bộ phận quản lý chuyên trách?

Hiện RNM vẫn thuộc sự quản lý chung của Bộ NN và PTNT, phân theo 3 loại: rừng đặc dụng, rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Nếu được quản lý tách riêng thì chắc chắn sẽ tốt hơn.

- Với điều kiện địa hình và khí hậu của nước ta, RNM nên được quy hoạch để phát triển ra sao?

Cho đến hiện tại chúng ta chưa có nghiên cứu sâu nên không thể biết được. Chúng ta cần có những nghiên cứu đánh giá được tác dụng của RNM đối với biến đổi khí hậu, hạn chế các thiên tai như triều cường, bão, sóng thần.

Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá được tác động của RNM đối với vấn đề giảm ô nhiễm từ chất thải rắn. Trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái RNM (MERC) đã thực hiện một nghiên cứu cấp Bộ, phát hiện rằng nhiều vi sinh vật có khả năng phân giải các chất thải khó phân hủy có trong nước, làm sạch nước và biến thành thức ăn cho tôm cá. Nhờ vậy phát hiện thêm khả năng ngăn ngừa ô nhiễm môi trường của RNM.

- Hiện nay, chúng ta có bao nhiêu héc-ta RNM?

Vừa qua tôi cũng rất vất vả về vấn đề này, Hãng thông tấn xã NHK của Nhật Bản muốn biết chính xác diện tích RNM của Việt Nam và hỏi tôi rằng tại sao trong các tài liệu của Việt Nam số liệu về diện tích RNM lại khác nhau? Số liệu chính xác thì đành chịu không trả lời được.

Sở dĩ như vậy là vì chúng ta chưa có đợt tổng kiểm tra đồng bộ nào. Trước Viện điều tra quy hoạch rừng chịu trách nhiệm giám sát diện tích rừng, nhưng sau không xuể, phải giao cho các địa phương. Việc tổng hợp số liệu RNM từ các cấp địa phương để có được con số chuẩn không hề đơn giản.

Hàng chục ngàn héc-ta RNM trồng do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cũng chưa được đưa đầy đủ vào số liệu tổng hợp của ngành lâm nghiệp và Tổng cục Thống kê.

- Vậy có phải cứ trồng RNM càng nhiều thì càng tốt?

Trong quy hoạch của các địa phương đều có việc phục hồi RNM, với sự tham gia của người dân và các cơ quan chuyên ngành. Tuy nhiên, việc triển khai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố kinh phí. Vì vậy không hề đơn giản, muốn là được.

- Xin Gs. cho biết những khó khăn lớn đối với công tác bảo vệ RNM hiện nay là gì?

Hiện nay có một tình trạng rất đáng lo ngại. Đó là những nơi trước từng là rừng phòng hộ đã bị biến thành đầm tôm, nay đất hoang hóa quá nhiều, từ Bắc vào Nam nơi nào cũng có. Vì người ta chưa trả lại đất hoặc vì trồng RNM ở đó tốn kém hơn nhiều so với trông ở đất bãi bồi mới, nên người ta không đầu tư.

Như ở huyện Tiền Hải, Thái Bình, có hai dự án lớn quản lý khoảng 100ha và thuê 700 công nhân. Mấy vụ đầu năng suất rất cao do họ nuôi công nghiệp (dùng máy sục khí, cải tạo ao đầm) nhưng sau thất bại, đến giờ thì bỏ hoang. Đến tháng 03/2008 một công ty của Pháp vào đầu tư tôm thẻ chân trắng sau cũng thất bại.

Ở nhiều khu đầm bỏ hoang, người ta tháo cống cho nước ra vào, lấy tôm tự nhiên và quay lại hình thức nuôi tôm quảng canh như trước.

Ở xã Tiên Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng trước ACTMANG hỗ trợ tiền để trồng rừng nhưng sau địa phương lại cho phá để cho Công ty Việt Mỹ nuôi tôm, năm ngoái cũng thất bại hết.

Trong Vườn quốc gia Xuân Thủy của Nam Định có 2 trại tôm giống nay cũng bỏ hoang vì thất bại và trở lại hình thức quảng canh, thậm chí một số hộ còn ngược đời, chở cát đất đến lấp đầm tôm để nuôi vạng, hiệu quả còn chưa biết như thế nào nhưng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường.

Tháng 11 vừa qua tôi vào Khánh Hòa thấy đầm tôm các xã ven biển huyện Ninh Hòa và huyện Cam Ranh bị bỏ hoang rất nhiều, ở Cà Mau, Bạc Liêu cũng vậy.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trong đó chủ yếu là do con giống, sản xuất tại địa phương không kiểm soát được chất lượng. Yếu tố thứ hai là do môi trường nước bị ô nhiễm, dịch bệnh lan tràn. Đồng bằng sông Cửu Long có chế độ bán nhật triều, các đầm tôm không có đường nước vào ra riêng, nên khi triều xuống, nước thải đầm trên đổ xuống đầm dưới. Với biên độ triều cao, dòng triều mạnh, trong vòng 6 tiếng nước chưa kịp ra đến biển đã bị dội lại, vô tình phát tán ô nhiễm từ nơi này qua nơi khác một cách tràn lan.

Tình trạng ô nhiễm môi trường biển rất phổ biến dọc ven biển Việt Nam và cái đó hiện nay rất khó giải quyết. Muốn năng suất tôm cao thì phải cải tạo đầm hàng năm nhưng cũng chỉ được một thời gian vì đây là đất chua mặn.

Khi có rừng, dưới tán rừng nhiệt độ thấp, lá cây rụng tạo thành mùn bảo vệ đất, vi sinh vật hoạt động rất tốt, quá trình phân giải chất hữu cơ diễn ra hiệu quả. Nhưng khi rừng mất đi thì ánh nắng chiếu thẳng vào, nhiệt độ sẽ tăng cao và thiếu nước vào mùa khô, làm cho đất phèn tiềm tàng trước được ém sẽ hoạt động trở lại, làm cho đất chua, nhiều a-xít.

Cây gì con gì cũng chết hoặc chỉ sống ngắc ngoải một thời gian. Không có sinh vật nào có thể tồn tại được ngoài cây ngập mặn. Chỉ còn cách cải tạo, mà cải tạo thì khó vì cống ít và đầu tư rất tốn kém, cho nên chỉ có một số ít gia đình có khả năng kinh tế mới nuôi tôm trở lại được, còn đa số thì không thể, Nhiều gia đình mất trắng, nợ nần ngân hàng không trả được và thậm chí phải chuyển đi nơi khác ở. Đây là một vấn đề rất đáng lo.

Một vấn đề nữa là việc kết hợp tôm lúa hiện nay ở vùng ven biển, tôi cho rằng cũng không ổn và có thể gây hậu quả nặng nề. Đất ngập mặn được người dân cải tạo để trồng lúa giúp tăng diện tích đất trồng trọt, nếu trồng lúa lâu dài, tuy năng suất thấp song có thể ổn định được, nhưng nếu cho nước mặn vào nuôi tôm một vụ thì đất sẽ nhiễm mặn, khó có thể cải tạo được nữa, khi đó cả tôm cả lúa đều giảm.

Nhiều người đã lợi dụng mô hình này để chủ yếu nuôi tôm. Cho nên diện tích đất nhiễm mặn ngày càng tăng.

Biến đổi khí hậu cũng làm cho nước biển dâng và giảm diện tích đất nông nghiệp. Năng suất lúa và năng suất tôm càng ngày càng giảm. Trong quy hoạch sắp tới nếu không cải tiến cách nuôi, ví dụ như nuôi tôm sinh thái (sử dụng kênh rạch tự nhiên trong vùng RNM cho tôm phát triển) thì hiệu quả rất thấp và nếu không chú ý trồng RNM thì nguy cơ xói lở, mặn hóa sẽ rất lớn. Mặc dù ý thức người dân đã được cải thiện, diện tích phục hồi cũng đáng kể nhưng thách thức cũng rất lớn.

Có thể nói phá rừng để nuôi tôm là thách thức về dài hạn đối với công tác bảo vệ RNM. Tuy nhiên, bên cạnh đó nay xuất hiện thêm nhiều thách thức mới, đó là các vấn đề về xây dựng, mở rộng khu dân cư, xây dựng cảng biển, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác ven biển.

Vậy làm thế nào để hài hòa, điều đó rất cần sự quan tâm từ Trung ương cho đến địa phương.

- Ở những nơi nào của Việt Nam hiện nay RNM được bảo vệ tốt nhất?

Đó là Cần Giờ. RNM Cần Giờ không chỉ được công nhận là tốt nhất ở Việt Nam mà cả vùng Đông Nam Á. Mặc dù trong những năm 1982-1984, dân phá rừng nhiều nhưng sau đó TP. HCM quản lý tốt ở cả 24 tiểu khu, tiến hành giao đất giao rừng, ổn định đời sống cho người dân nên rừng được bảo vệ rất tốt. Nhờ thế mà UNESCO đã công nhận là Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ trong mạng lưới khu sinh quyển thế giới.

Bên cạnh đó là những cánh RNM thuộc các VQG, KBT như VQG Xuân Thủy, VQG Mũi Cà Mau, hay một KBT ở TP. Bến Tre - đó là các KBT có đầu tư lớn và quản lý tốt.

Chỉ có điều trước đây khi có các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thì sự bảo vệ nghiêm ngặt hơn, nay không còn kinh phí hỗ trợ thì còn tùy thuộc từng nơi, tùy thuộc vào ý thức người dân và đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo từng địa phương. Bên cạnh đó, vai trò của cộng đồng và các đoàn thể cũng rất quan trọng.

- Trải qua một quãng đường rất dài, giờ nhìn lại Gs. còn trăn trở điều gì?

Còn rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải nghiên cứu như lượng giá về mặt kinh tế, môi trường của RNM. Trước đây, chúng ta chủ yếu đánh giá bằng định tính, nay phải biết rõ rằng để phát triển bền vững RNM cần được đầu tư bao nhiêu, hay mối quan hệ giữa thủy sản và RNM như thế nào? Chúng ta mới chỉ có những nghiên cứu nhỏ do nước ngoài tài trợ, chưa có một nghiên cứu lớn nào quy mô Nhà nước.

Tôi cũng rất lo lắng việc nghiên cứu về RNM không biết sẽ ra sao. Mình đã đưa ra được vấn đề và thế giới đã quan tâm chú ý. Giờ phải làm thế nào để bảo tồn và phát triển hài hòa giữa RNM và kinh tế xã hội.

Xin chân thành cảm ơn Giáo sư. Chúc ông và gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng!