Nguy cơ “giết biển”

Cập nhật: 11/02/2009
Nguồn: Báo Văn hóa
Tỉnh Quảng Ninh có khoảng 6.000 km²mặt nước biển, được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều chủng loại hải sản có giá trị kinh tế cao với sản lượng khai thác hàng năm có thể lên đến trên 30.000 tấn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nạn khai thác hải sản bằng chất nổ, sử dụng ánh sáng công suất lớn, chất độc, xung điện, cào điện... đang đe dọa làm cạn kiệt nguồn lợi biển.

Tận diệt

Theo phản ánh của ngư dân ở khu vực Bến Rừng (huyện Yên Hưng), nạn đánh cá bằng các phương tiện huỷ diệt như: sử dụng ánh sáng công suất lớn, chất độc, xung điện, cào điện... ở ngư trường Quảng Ninh hiện không còn hoạt động ven bờ như những năm trước nữa mà chỉ diễn ra cách bờ từ 20 - 30 hải lý nhằm đối phó với lực lượng kiểm ngư và bộ đội biên phòng. Với những phương tiện này, chỉ bằng thời gian 1/3 - 1/2 so với phương pháp đánh bắt thông thường, ngư dân vẫn có thể thu được hàng tấn cá sau mỗi chuyến đi khơi, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: cá mú, hồng, thu, ngừ... Do lợi nhuận cao như vậy nên nhiều người đã bất chấp pháp luật lao vào hành nghề đánh bắt hải sản trái phép.

Theo ông Hà Văn Giang, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản là hành động huỷ diệt nguồn lợi, phá huỷ sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thuỷ sản, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Ngoài ra, còn gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của con người. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt mà nhiều ngư dân vẫn cố tình vi phạm. Hiện nay, tình trạng dùng thuốc nổ và chất độc đánh bắt thuỷ sản đã được kiềm chế ở mức thấp nhất, nhưng việc sử dụng kích điện có chiều hướng phức tạp vì kích điện rẻ, dễ mua, lại cơ động, dễ cất giấu hoặc phi tang... Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, một ngư dân ở xã Phong Hải cho biết: Trên ngư trường Quảng Ninh thường xuyên xảy ra hiện tượng ngư dân sử dụng các phương tiện đánh bắt kiểu huỷ diệt để khai thác hải sản. Trong các loại phương tiện dạng này, gây hậu quả nghiêm trọng nhất là kiểu đánh bắt bằng ánh sáng cực mạnh. Trước đây, các ngư dân chỉ trang bị tổng công suất đèn tối đa là 2.400W, không ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Thế nhưng hiện nay, các thuyền thi nhau trang bị toàn bóng đèn siêu cao áp của Trung Quốc, mỗi bóng 1.000W, mỗi thuyền gắn 10 bóng tổng hợp, tổng cộng là 10.000W - gấp 4 lần công suất đèn được quy định. Với cường độ ánh sáng cực mạnh này, không chỉ đàn cá nổi bị cạn kiệt mà các loại cá chìm như thu, ngừ, chim cũng bị tận diệt hoặc bỏ đi nơi khác...

Ngăn chặn: Khó?

Theo thống kê của cơ quan chức năng Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh có 7.194 tàu, thuyền với trên 15.400 lao động khai thác hải sản. Do lực lượng tàu thuyền ven bờ tập trung với mật độ dày lại khai thác mang tính huỷ diệt, nên những loài thuỷ sản quý hiếm đã cạn kiệt, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng như: Tôm he, cá song, cá mú, trai ngọc, bào ngư... Các vùng nuôi trồng thuỷ sản như Đầm nhà Mạc (Yên Hưng), Đồng Rui (Tiên Yên), Vạn Ninh (Móng Cái) đều gặp khó khăn do nguồn con giống tự nhiên không còn dồi dào như trước. Đặc biệt, san hô vùng biển đảo Cô Tô chết khoảng 80-85% cũng do khai thác thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt.

Hậu quả nặng nề do khai thác hải sản theo kiểu huỷ diệt thì đã rõ, nhưng cũng theo ông Hà Văn Giang, để giải quyết tận gốc vấn nạn này thì rất khó vì đặc điểm của những thuyền này là công suất nhỏ (từ 12 đến 33 CV), không trang bị lưới trên thuyền, mà chỉ trang bị các phương tiện đánh bắt bị cấm. Đặc biệt thuyền nào cũng trang bị máy bộ đàm để liên lạc, báo tin nhau khi lực lượng kiểm ngư xuất hiện. Khi bị phát hiện, các thuyền vi phạm thường bỏ chạy bạt mạng, vừa chạy vừa hủy bỏ tang vật xuống biển, thậm chí, có trường hợp các đối tượng chống đối đâm thuyền thẳng vào ca nô kiểm ngư, hoặc đe dọa, tấn công lại lực lượng thi hành công vụ. Theo quy định của pháp luật, những trường hợp vi phạm, phải bắt được tang vật thì mới có căn cứ xử lý, nhưng khi bị bắt các thuyền này đều ném bỏ tang vật xuống biển nên lực lượng kiểm ngư chỉ còn căn cứ vào lượng cá đánh bắt được trên thuyền để xử phạt hành chính. Trong khi đó, hầu hết các hộ ngư dân vi phạm đều là hộ có hoàn cảnh khó khăn nên dù đã bị tịch thu phương tiện, bị xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, vì không làm không biết sống bằng gì. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về pháp luật thuỷ sản trên vùng biển Quảng Ninh trong thời gian qua cứ ở trong tình trạng “chống chỗ này, phình chỗ kia” và nguy cơ biển bị “giết” vẫn luôn thường trực, dù các ngành chức năng luôn “căng quân” đối phó.