Cảnh báo sinh vật ngoại lai xâm nhập qua đường hàng không

Cập nhật: 16/03/2009
Nguồn: ThienNhien.Net
Cùng với sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống hàng không quốc tế, nguy cơ gây hại của các sinh vật ngoại lai qua con đường vận chuyển hiện đại này ngày càng trở nên rõ rệt và đáng báo động. Các hãng hàng không trên thế giới còn được cảnh báo rằng tháng 6/2010 có thể sẽ là tháng cao điểm các loài động, thực vật và côn trùng phát tán xuyên lục địa bằng máy bay.

Bản báo cáo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Ecography này dự đoán rằng khi các nhân tố về thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa tại các điểm sân bay đi và đến tương đồng với nhau, đó có thể là điều kiện thuận lợi để các sinh vật ngoại lai, và các mầm bệnh mà chúng mang theo, phát tán theo đường hàng không.

Andy Tatem, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Các bệnh dịch mới kiêm giảng viên khoa Địa lý của trường ĐH Florida, là tác giả của nghiên cứu này. Ông đã sử dụng những dữ liệu dự báo mới nhất về biến đổi khí hậu (BĐKH) và lưu lượng giao thông đường không cho mô hình nghiên cứu của mình. Ông nói: “Khi các mạng lưới giao thông toàn cầu mở rộng, chúng ta có thêm ngày càng nhiều các giống sinh vật ngoại lai và các nguồn bệnh đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Nhiều loài trong số đó đã sống sót và thậm chí từng bị cô lập hàng ngàn năm qua nhưng giờ đây đã có được con đường di chuyển tốc độ cao để đến được các vùng miền khác”.

Tatem còn dự đoán rằng cao điểm của nguy cơ này có thể rơi vào tháng 6/2010, khi nhiều yếu tố khác nhau cùng hội tụ tạo nên một tháng mà các nhân tố thời tiết tại rất nhiều điểm sân bay đi và đến có sự tương đồng.

Nghiên cứu của Tatem cho thấy rằng các thay đổi về khí hậu trong một vài năm gần đây không quá lớn nhưng sự tăng lên đáng kể lưu lượng các chuyến bay từ những nền kinh tế đang lên như Ấn Độ và Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến sự di chuyển các loài. Điều này giúp chúng ta đánh giá được cụ thể hơn về tầm quan trọng của những nhân tố ảnh hưởng và chúng đã thay đổi theo thời gian ra sao, so với thời điểm tiến hành cuộc nghiên cứu trước vào năm 2007.

Kết luận của nghiên cứu được rút ra trên cơ sở so sánh những mô hình dự báo khí hậu toàn cầu cho năm 2009-2010 do Trung tâm nghiên cứu và dự đoán khí hậu Hadley (Anh) đưa ra với những mô hình dự đoán lưu lượng giao thông trên cơ sở mạng lưới hàng không hiện hành của OAG - một công ty lớn chuyên cung cấp giải pháp thông tin dữ liệu bay toàn cầu. 35 triệu chuyến bay giữa 3.570 sân bay, trên hơn 44.000 đường bay khác nhau đã được đưa vào mô hình.

Tuy nhiên, cách thức chính xác mà những sinh vật và mầm bệnh ngoại lai di chuyển qua đường hàng không như thế nào thì hiện vẫn đang được nghiên cứu. Tatem cho rằng đó là sự kết hợp thông qua cả hành lý lẫn con người, cả vô tình và hữu ý. “Chẳng hạn như một con muỗi có thể bay hành khach theo một cách tự do, hoặc tình cờ chui vào trong các kiện hành lý,” ông nói, “song cũng có một vài thứ, ví dụ như các mầm bệnh thực vật, có thể được phát tán do người ta cố tình muốn mang các loại hoa quả từ vùng này tới vùng khác”.

Năm 2007, một sự xâm hại sinh học từ một loài côn trùng ngoại lai đã được ghi lại trong một nghiên cứu của hai nhà sinh học Amro Zayed và Laurence Packer từ trường ĐH York. Cũng năm này, một nghiên cứu khác của Andrew Liebhold được đăng tải trên tờ American Entomologist (Tạp chí nhà nghiên cứu sâu bọ Mỹ) về sinh vật ngoại lai bị phát hiện trong hành lý trên các chuyến bay.

Liebhold ghi nhận rằng các loại hoa quả nhập, chủ yếu là từ các vùng nhiệt đới, là những trường hợp phát hiện được sinh vật ngoại lai nhiều nhất. Các loài được phát hiện chủ yếu là ruồi, rầy, rệp hại thực vật, các loài côn trùng họ Cicadidae (như châu chấu, dế) là những loài côn trùng xâm hại bị ngăn chặn nhiều nhất.

Liebhold cũng nhận xét rằng nghiên cứu của Tatem đã cung cấp những dự báo thú vị về những xu hướng rất thực tế của việc các loài sinh vật ngoại lai xâm hại di chuyển một cách vô tình giữa các châu lục thông qua các chuyến bay.

“Thật không may, các hành khách đi máy bay rất thường xuyên tạo điều kiện di chuyển cho những loài sinh vật sống ký sinh và mầm bệnh của chúng. Xu thế này ngày càng rõ rệt với sự tăng lên của những chuyến bay xuyên lục địa,” Liebhold nói, “Hy vọng rằng, các cơ quan chính phủ sẽ chú ý đến những kết quả nghiên cứu này và sử dụng chúng để tăng cường các hoạt động kiểm tra tại các sân bay để ngăn chặn được những tác hại của các loài sinh vật ngoại lai xâm phạm đối với các hệ sinh thái tự nhiên cũng như đối với sức khỏe con người.”

 

Hồng Anh (Theo Science Daily, 27/02/2009)