Nhiều di tích ở Hà Nội bị xâm hại, lấn chiếm

Cập nhật: 08/04/2009
Nguồn: QĐND
Đình-đền-chùa là những chốn tôn nghiêm, mang những dấu ấn đặc trưng của văn hóa Việt Nam, rất cần được bảo vệ cả về cảnh quan cũng như những hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay đình-đền-chùa đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Chùa Vĩnh Trù (59 phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm) đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử-văn hóa, là một điểm đến trong tuyến tham quan du lịch khu phố cổ Hà Nội. Hiện nay, chùa vẫn còn lưu giữ được rất nhiều di vật như: sắc phong, ngai thờ bài vị, câu đối, tượng phật… và những đồ đồng có giá trị nghệ thuật cao. Thế nhưng, khuôn viên của chùa đang bị người dân chiếm dụng làm bãi giữ xe, quán cơm, bán hoa giả, thậm chí là kinh doanh… thịt chó. Họ còn mở quán cơm ngay trong khu vực sân chùa… đã làm mất đi vẻ tôn nghiêm chốn linh thiêng. Do vướng các hộ dân sinh sống trong chùa nên việc tu bổ, cải tạo chùa gặp rất nhiều khó khăn, khiến cho ngôi chùa này đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hiện vật quý hiếm đứng trước nguy cơ hư hỏng hoàn toàn. Thầy Thích Nguyên Tâm trụ trì chùa bức xúc: “Đã nhiều lần chúng tôi có ý kiến với chính quyền địa phương nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Ngày nào nhà chùa cũng quét dọn cổng và sân chùa nhưng không xuể. Rác rưởi bừa bãi rất mất vệ sinh, ban thờ ngoài trời cũng biến thành bệ để họ để bát đĩa và ống đũa phục vụ khách ăn uống”.

 

Chùa Bộc là ngôi chùa có tiếng tại Hà Nội, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia (năm 1962), cũng trong cảnh tương tự, người dân chiếm dụng khu vực này để bán hàng: chăn nệm, rèm cửa… Trong khuôn viên chùa là bãi giữ xe với ngổn ngang xe cộ... Họ không ngần ngại công khai khi để tấm biển ngay trước cổng ra vào với dòng chữ “Nhận trông giữ xe tháng”. Mỗi ngày, hàng trăm xe lộn xộn ra vào làm mất cảnh quan chùa.

 

Ngôi đền cổ Đồng Thuận (11 phố Hàng Cá, Hoàn Kiếm), gắn liền với vị anh hùng Lý Tiến chống giặc ngoại xâm thời Vua Hùng, cũng đang bị thu hẹp. Nhiều hộ dân ngang nhiên sinh sống ngay trong đền, phía trước đền thì bị chiếm để bán hàng, mở quán cắt tóc và bãi trông giữ xe.

 

Gò Đống Thây nằm trên đường Khuất Duy Tiến (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng khu di tích lịch sử cấm xâm phạm… Song thực tế, Gò Đống Thây như đang bị “lãng quên”, chẳng khác nào một cái gò hoang nhếch nhác, luôn ngập trong rác rưởi. Nhiều người qua đây không khỏi lo ngại trước cảnh khu di tích bị người dân quanh đó lấn chiếm làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, chỉ toàn rác là rác. Rất nhiều người dân tứ xứ làm nghề đồng nát, cửu vạn… về đây chiếm đất dựng lán, làm nhà… Ngay cả tấm bia cổ được viết bằng chữ nho ghi lịch sử xa xưa của gò Đống Thây cũng đã bị người ta quẳng đi mất. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, Gò Đống Thây sẽ có nguy cơ biến mất khỏi danh sách những di tích lịch sử được xếp hạng của thành phố Hà Nội.

 

Năm 2010 đang tới rất gần, các di tích lịch sử tại Hà Nội đang rất cần được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp để kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.