Nhiều di tích văn hóa lịch sử tiếp tục bị xâm hại

Cập nhật: 10/04/2009
Nguồn: SGGP
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện có khoảng 7.300 di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc (tạm gọi là di tích văn hóa - DTVH) nằm rải rác trong cả nước đang cần kinh phí trùng tu, tôn tạo. Nhiều DTVH cấp quốc gia, những tài sản vô giá, đang hàng ngày, hàng giờ bị xâm hại nghiêm trọng bởi thời gian, khí hậu và cả sự thiếu ý thức của con người…

Hòn đá cổ không yên thân

Được nhà khảo cổ Glubev (người Pháp gốc Nga) ở Trường Viễn Đông Bác Cổ phát hiện vào năm 1925, bãi đá cổ Sa Pa nằm tại thung lũng Mường Hoa, tỉnh Lào Cai đã trở thành một địa điểm tham quan độc đáo của du khách trong và ngoài nước.

Với gần 200 khối đá lớn nhỏ, trên bề mặt chạm khắc nhiều hình thù kỳ lạ, bãi đá cổ khoảng 8km² này là một chứng tích về sự xuất hiện của người tiền sử ở đây. Thế nhưng, khu di tích này đang bị tàn phá, bị bào mòn và biến dạng bởi thiên nhiên và chính cư dân địa phương lẫn du khách.
 
Nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp bảo tồn giá trị nguyên gốc những hình vẽ cổ như làm mái che, quét lớp dung dịch bảo vệ lên mỗi tảng đá… Tuy nhiên, trong lúc các nhà chuyên môn, nhà quản lý còn đang loay hoay tìm giải pháp khả thi nhất thì bãi đá cổ càng bị biến dạng thêm bởi hàng trăm hình chạm khắc nhằng nhịt của những du khách thiếu ý thức muốn ghi dấu ấn khi đến tham quan.

Với tốc độ phá hoại này, có thể bãi đá cổ sẽ chẳng còn gì để xem trong vài năm nữa.

Trong lúc đó, quần thể 46 lăng đá ở Bắc Giang, có niên đại tập trung vào khoảng nửa cuối thời Hậu Lê, cũng đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Được công nhận là DTVH quốc gia từ năm 1964, nhưng theo ông Ngọ Văn Tuyến, người trông nom khu di tích, tới thời điểm này khu lăng mộ chưa hề nhận được một đồng kinh phí tu sửa nào!
 

Thành cổ dần biến mất

Khu di tích Cổ Loa  (tại Đông Anh, Hà Nội), một trong những kiến trúc thành cổ bằng đất độc đáo trên thế giới cũng đang nằm trong tình trạng báo động đỏ. Bên cạnh nỗ lực trùng tu các hạng mục đình, chùa Mạch Tràng, đình Ngự Triều Di Quy, am Mỵ Châu, đền An Dương Vương... thì nhiều ngôi nhà mới vẫn tiếp tục mọc lên ngay trong khu vực thành ngoại.

Cổ Loa hôm nay không những không còn giữ được chút hình hài xa xưa, mà còn bị chìm lấp dần trước tốc độ đô thị hóa như vũ bão. Các dãy hàng quán, dịch vụ kinh doanh vẫn mở ra nhộn nhịp làm ảnh hưởng tới cảnh quan và sự trang nghiêm vốn có của một khu DTVH cấp quốc gia, công trình đặc biệt chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Điều đáng nói, kể từ khi Chính phủ thông qua “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo và khai thác khu di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội” đến nay đã hơn 10 năm.
 
Tương tự là khu thành cổ Sơn Tây, một kiến trúc quân sự cổ, được hoàn thành năm 1822 bằng chất liệu khá đặc biệt: tường thành được xây bằng đá ong (nên còn có tên khác là Thành đá ong). Tuy nhiên, việc trùng tu “làm mới” thành cổ này trong mấy năm trước đã làm sai lệch hiện trạng của nhiều hạng mục cổ.

Theo Cục Di sản văn hóa, nguyên nhân của sự xuống cấp các DTVH trước hết là do nhận thức của xã hội chưa thật sâu sắc và toàn diện, thiếu ý thức chấp hành pháp luật. Nguồn kinh phí của Nhà nước dành cho việc trùng tu tôn tạo di tích vốn không nhiều; trong khi nguồn lực xã hội để bảo tồn DTVH lại chưa được quy tụ, không định hướng vào những việc thực sự cấp bách như bảo quản, gia cố, trùng tu mà chỉ nhằm xây mới. 

 

Thừa Thiên-Huế: Hơn 40% di tích xuống cấp

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, trong giai đoạn 1990-2008, với nguồn kinh phí 25-50 tỷ đồng/năm huy động từ các nguồn trong và ngoài nước, nhiều di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế có mức độ hư hỏng từ 40% đến 70% sẽ được trùng tu. Thế nhưng hiện nay vẫn còn hơn 40% di tích bị xuống cấp và hư hỏng nặng.

Điển hình như di tích chùa Thánh Duyên (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc), di tích nghĩa trang Phan Bội Châu (phường Trường An, TP Huế)…

Đặc biệt, tháp Mỹ Khánh được phát hiện từ tháng 4-2001 và được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, hiện nay vẫn bị xâm hại nghiêm trọng. Ngôi nhà bằng kính có chức năng bảo vệ tháp đã bị ném vỡ tới gần 30 ô kính.
   
Hội An: 61 nhà cổ xuống cấp

61 di tích tại khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) hiện đang xuống cấp trầm trọng. Khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác trùng tu nhà cổ Hội An do cần có kinh phí khá lớn, khoảng 500 triệu đồng/di tích. Ngoài ra, mỗi gia đình phải bỏ thêm ít nhất 200-300 triệu đồng để tu sửa nên không phải gia đình nào cũng lo được.
 

Trong khi đó, không đền tháp nào của khu di tích Mỹ Sơn còn nguyên vẹn. Chỉ một số đền tháp nhóm A, B, C, D có tình trạng kỹ thuật khá hơn nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia Ba Lan sau hơn 10 năm tu bổ (1982-1993); còn nhóm G, E, F hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.
 
Bình Định: Thành Hoàng Đế hoang phế
 
Thành Hoàng Đế tại Bình Định vốn có cấu trúc ba lớp, thành ngoại có chu vi khoảng 7.400m, mở ra 5 cửa. Hiện nay, dấu vết của thành chỉ còn lại những mảng đá ong rời rạc, những móng tường nằm khuất dưới cỏ xanh.

Ông Trần Đức Tông, người trông coi di tích này, tâm tư: “Di tích này bị bỏ hoang lâu rồi, nhìn thấy mà đau lòng”. Mặc dù đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia nhưng di tích này gần như không còn nhận dạng được.