Có một khu đô thị sinh thái ở Đại Lải

Cập nhật: 10/04/2009
Nguồn: ND
Họ đa phần là dân kỹ thuật. Chuyên ngành theo đuổi tưởng chừng sẽ làm cho họ khô khan như những con số hay mấy cái máy xúc, cần cẩu ngoài công trường chỉ cần đổ dầu vào là làm việc ngay. Nhưng thật lạ, cứ nói đến cây cỏ, chim muông, hoa lá là họ vô cùng hứng khởi, trái hẳn với sự nghiêm nghị thường ngày.

Có lẽ do gặp nhau ở tình yêu thiên nhiên, nên họ đã về tụ họp dưới mái nhà chung - Công ty Cổ phần Ðầu tư Hùng Vương - cùng hợp lực thực hiện công trình để đời - dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái Flamingo Ðại Lải, tại phía bắc hồ Ðại Lải thuộc xã Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc).

Khác hẳn với một số công trình khác, để nhanh chóng có được mặt bằng xây dựng, chủ đầu tư thường ra lệnh đốn, chặt những loại cây cối "cản đường", ở Flamingo Ðại Lải Resort, chuyện đó không được phép xảy ra. Tất cả những cây thông, cây keo trong khuôn viên dự án, vì một lý do nào đó phải nhường chỗ cho việc xây dựng hạ tầng hay chỉnh trang cảnh quan đều phải được bứng ra trồng ở một nơi phù hợp. Nhờ thế, cho đến nay, dù Flamingo Ðại Lải Resort vẫn đang là một công trường xây dựng, nhưng mầu xanh của cỏ cây, tầng thấp tầng cao vẫn tồn tại nơi đây.

Nhìn từ trên cao, giữa cảnh bát ngát, mênh mông của hơn 500 ha mặt nước hồ Ðại Lải trong vắt bao quanh, Flamingo Ðại Lải Resort nổi lên như một ốc đảo xanh, không chỉ bởi có tới 70% trong tổng số 123 ha diện tích dự án được dành cho cảnh quan sinh thái, mà còn vì nhà đầu tư rất quan tâm tới việc phủ xanh mặt đất. Ðến Flamingo Ðại Lải Resort, du khách sẽ thấy ngoài những cánh rừng thông, rừng keo tai tượng, keo lá chàm bản địa, còn có sự hiện diện của hai công viên các loài hoa và hàng loạt quần thể cây cối khác như lộc vừng, các loại cây si, cây sanh.

Ðặc biệt, du khách sẽ phải giật mình khi biết rằng dưới những thảm cỏ mướt mắt kia là cả trăm con người. Họ đang tận hưởng những giây phút đầm ấm bên gia đình, người thân trong các nhà hàng, khu giải trí ngầm, bên ngoài cửa kính là ngăn ngắt nước hồ, từng đàn cá bơi lội tung tăng. Dẫu biết rằng việc ngầm hóa một số công trình sẽ rất hao tiền tốn của, nhưng nhà đầu tư vẫn quyết tâm thực hiện để có được một "Flamingo Ðại Lải Resort xanh" mãn nhãn.

Từ yêu thiên nhiên, những cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Ðầu tư Hùng Vương quyết định phát triển công trình để đời của mình theo hướng bền vững. Khác với các tòa nhà xây bằng gạch tuy-nen, các công trình kiến trúc trong Flamingo Ðại Lải Resort sử dụng gạch không nung vừa bền chắc, bảo đảm mỹ thuật, vừa cách nhiệt và cách âm tốt. Rác thải trong Flamingo Ðại Lải Resort cũng không xử lý theo kiểu khoán trắng cho công ty vệ sinh môi trường, mà sẽ được thu gom, sản xuất phân vi sinh, quay trở lại chăm bón cho hoa, cây cảnh ở đây.

Về vấn đề nước thải, ông Hoàng Anh Quân, phát ngôn viên dự án cho biết, toàn bộ nước thải trong khuôn viên Flamingo Ðại Lải Resort sẽ được thu hồi về trung tâm, sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ được tái sử dụng để tưới cây hoặc nuôi cá. Ông Quân cũng khẳng định, Flamingo Ðại Lải Resort sẽ bảo đảm tuyệt đối không để xảy ra chuyện đổ thẳng nước thải ra hồ Ðại Lải. Bên cạnh đó, theo ông Quân, Flamingo Ðại Lải Resort sẽ có một khu sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, dự kiến có thể cung cấp đủ lượng điện dùng cho toàn bộ khu nghỉ dưỡng này.

Theo ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng ban quản lý dự án, hiện nay các hạng mục xây dựng của Flamingo Ðại Lải Resort cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Dự án đang trong giai đoạn thi công tổng lực để hoàn thành toàn bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật vào cuối năm 2009. Trước mắt, sẽ tập trung nhân lực để xây dựng cụm văn hóa dịch vụ trung tâm 1, với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào dịp 30-4-2009. Ông Tuấn tin rằng với tốc độ thi công hiện nay, tiến độ của dự án chắc chắn sẽ đạt được kế hoạch.

Trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng biến đổi khí hậu, việc một chủ đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt đến môi trường như Công ty Cổ phần Ðầu tư Hùng Vương là rất đáng trân trọng và cổ vũ.

 

(Kiến trúc sư Nguyễn Luận, một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm kiến trúc sinh thái ở Việt Nam)