An Giang: Khai trương tour Du lịch Nông nghiệp phục vụ du khách

Cập nhật: 16/04/2009
Nguồn: TTXVN
Sau 2 năm chuẩn bị, ngày 12/4 tại An Giang đã chính thức khai trương tour “Du lịch Nông nghiệp” đầu tiên cho 30 du khách Quốc tế với lộ trình từ An Giang - Khu lưu niệm Bác Tôn (TP Long Xuyên) - xem đua ghe ngo (thị xã Châu Đốc), xem lễ hội truyền thống nhân tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khơme (huyện Tri Tôn) - tham quan Núi Cấm (Tịnh Biên) với giá từ 300.000 đồng/người.

Tour du lịch nói trên nằm trong dự án “Du lịch Nông nghiệp” do tổ chức Nông dân Hà Lan (Agriterra) tài trợ thông qua Trung ương hội Nông dân Việt Nam. Dự án thực hiện trong 3 năm 2007 - 2009 với tổng kinh phí 300.000 Euro. 2 xã của An Giang được hưởng lợi từ dự án là Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên) và xã miền núi-dân tộc Văn Giáo (Tịnh Biên). Hoạt động chủ yếu là tổ chức các tour tuyến cho khách du lịch Quốc tế đến tham quan, ăn nghỉ, sinh hoạt tại nhà dân theo lịch trình tour “72 giờ trong vùng Thất Sơn” với 6 điểm dừng chân, đón khách từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP phố Hồ Chí Minh) về thành phố Long Xuyên tham quan Mỹ Hòa Hưng, đến làng bè, dệt thổ cẩm Chăm, Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (thị xã Châu Đốc), tham quan chợ Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, dệt thổ thổ cẩm Khơme Văn Giáo, thăm rừng tràm Trà Sư và lên đỉnh Núi Cấm (Tịnh Biên), điểm cuối cùng là di tích chứng tích tội ác Pôn Pốt (xã Ba Chúc - Tri Tôn) với giá rẻ từ 300.000 đồng - 500.000 đồng/người, tùy theo thời gian tour từ 1 đến 3 ngày.

Để tour “du lịch nông nghiệp” hoạt động có hiệu quả, trong thời gian qua dự án đã tổ chức tập huấn cho 20 người dân trong 2 nhóm nông dân đồng sở thích, đồng thời hình thành một số trung tâm du lịch cộng đồng, điểm trưng bày sản phẩm nông nghiệp, nghề truyền thống gắn với đặc thù của địa phương như sản xuất đường thốt nốt của người Khơme, trồng nấm báo ngư, sản phẩm đan lát… của người Việt ... Dự án “Du lịch Nông nghiệp” là điều kiện tốt cho đồng bào dân tộc Khơme ở xã Văn Giáo cũng như đồng bào nghèo người kinh xã Mỹ Hòa Hưng phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng, tăng thu nhập, qua đó cũng góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo cho đồng bào ý thức trách nhiệm xóa bỏ tập tục sinh hoạt lạc hậu, là cơ hội để tỉnh An Giang kêu gọi đầu tư cho du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, Núi Cấm (Tịnh Biên), khu du lịch nghĩ dưỡng (Mỹ Hòa Hưng), bổ sung mô hình khai thác tiềm năng du lịch mới cho An Giang.