Bảo vệ môi trường biển

Cập nhật: 12/06/2009
Nguồn: TN
Việt Nam có chiều dài hơn 3.260 km đường bờ biển, 2.273 đảo ven bờ, 44 vũng vịnh nhỏ, 1.120 rạn san hô, 252.500 ha rừng ngập mặn và các thảm cỏ biển phân bố từ Bắc vào Nam...

Theo Boris Fabres, cố vấn cao cấp của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA), có 80% du khách chọn biển làm nơi nghỉ ngơi, hơn 70% điểm đến trong nước là biển, kế hoạch của Việt Nam là tới năm 2020 khu vực biển sẽ đóng góp 50% GDP quốc gia.

 

Hằng năm, các vùng ven biển dọc theo chiều dài hình chữ S của đất nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để tôn vinh biển. Như Festival biển Bà Rịa-Vũng Tàu, Festival biển Nha Trang, Festival Huế cũng dành chương trình cho biển Thuận An - Lăng Cô, lễ hội ở Hạ Long…, ngoài ra còn có rất nhiều lễ hội Nghinh Ông diễn ra ở khắp các địa phương. Thế nhưng, bày tỏ tình yêu biển thôi vẫn chưa đủ, vì muốn phát triển tiềm năng kinh tế từ du lịch biển mang lại, chúng ta còn phải biết hành động giữ gìn nó.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM, cho rằng quá trình khai thác du lịch biển thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến biển Việt Nam, khiến biển đang bị đục hóa. Theo ông, vùng biển phía Bắc (từ Cửa Lục đến Cửa Lò), hàm lượng bùn đã vượt quá giới hạn cho phép đối với nước biển ven bờ; bãi tắm Đồ Sơn, Cát Bà hàm lượng bùn từ 20g/m3 lên 340g/m3 làm cho nước đục và ô nhiễm gây chết các rạn san hô. Ở Cà Mau, hàm lượng bùn cũng vượt quá giới hạn. Tại Hạ Long, từ năm 2004, các khu vực ven bờ vịnh đã có những biểu hiện ô nhiễm cục bộ do lượng chất rắn lơ lửng tăng, trong khi lượng oxy hòa tan giảm; nitrơrit và vi khuẩn gây bệnh Coliform ở Lán Bè, Vựng Đâng và cảng than ven bờ nam Cầu Trắng đã gây độ đục vượt quá mức cho phép. Thống kê của Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, hiện tại khu vực Hạ Long - Cẩm Phả có 21 dự án lấn biển và 17 dự án đổ bùn thải (bùn từ việc nạo vét cảng sông được phép đổ xuống biển). 

 

Các vùng biển Bình Định, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, ở nhiều khu vực, nước thải của các khu dân cư, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch thường không qua xử lý, thải trực tiếp xuống biển, gây ô nhiễm hữu cơ nước biển ven bờ. Chẳng hạn tại Nha Trang, thống kê của Ban quản lý vịnh Nha Trang, mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải du lịch, cộng với rác thải sinh hoạt của dân cư trên 6 khóm đảo đổ xuống biển; nhà vệ sinh trên các tàu du lịch được thải thẳng xuống biển; tàu thuyền du lịch, phương tiện vui chơi giải trí tấp nập khiến nước biển ven bờ bị ô nhiễm dầu. Tình trạng này cũng xảy ra ở một số vùng biển Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu. Giám sát môi trường gần đây ở Long Hải, Hồ Cốc, Bãi Sau, Bãi Trước, Bãi Dâu của Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, chất lượng nước biển ở các bãi biển này đều có dấu hiệu ô nhiễm. Đặc biệt là ô nhiễm từ việc du khách và người dân buôn bán xả rác bừa bãi. 

 

Thế nhưng, chuyện bảo vệ môi trường biển của các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, khu du lịch lại chưa được quan tâm đúng mức. Ví dụ, mỗi ngày các khu du lịch, resort, khách sạn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thải ra 1.600m3 nước thải, nhưng chỉ có 300m3 được xử lý.  Boris Fabres cảnh báo, nếu không có những biện pháp giáo dục tự nguyện bảo vệ môi trường biển và mạnh tay xử phạt những người, đơn vị gây ô nhiễm, chúng ta sẽ mất nhiều chi phí hơn cho việc ngăn chặn ô nhiễm biển. Nước thải, bùn, chất rắn sẽ giết chết hệ san hô, giết chết động thực vật biển, rừng ngập mặn, gây bệnh cho người, ảnh hưởng đến kinh doanh du lịch… Đó là những mất mát không thể tính toán hết.