Rừng ngập mặn ở Thái Bình - bức tường xanh bảo vệ đê biển

Cập nhật: 08/06/2009
Nguồn: TN&MT
Là một tỉnh đồng bằng, không có đồi núi, nhưng Thái Bình lại có 54 km bờ biển, trải dài suốt 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Nơi đây có hàng ngàn ha rừng ngập mặn bao bọc, tạo thành một bức tường xanh vững chắc mang lại hiệu quả cao và phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Đó là kết quả của nhiều dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai ở Thái Bình hơn 10 năm nay.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Quản lý dự án trồng rừng Thái Bình, những năm gần đây, mỗi năm diện tích rừng ngập mặn của Thái Bình được phát triển và trồng mới gần 1.000 ha. Hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển, tốc độ bồi lắng phù sa tăng nhanh, bãi bồi ngày càng được mở rộng và nâng cao nên các loài phù du, sinh vật biển sinh sôi, tạo nguồn thức ăn phong phú kéo theo các loài thủy sản như tôm, cua, cá, ngao và các loài nhuyễn thể phát triển mạnh trở thành nguồn lợi thủy sản lớn và là nguồn thu nhập quan trọng đối với cư dân vùng ven biển. Đặc biệt là một số loài động vật quý hiếm về cư trú. Qua khảo sát của các nhà khoa học ở rừng ngập mặn Thái Bình có 137 loài động vật đang sinh sống trong đó có 123 loài chim, với nhiều loài quý hiếm như: cò thìa, mòng bể, bồ nâu chân xám và cò quăm đầu đen. Ngoài ra còn có 156 loài khu hệ cá cùng với các thảm thực vật phong phú hình thành vùng rừng sinh thái bảo tồn thiên nhiên.

 

Đến nay, trong tổng số trên 7.000 ha rừng ngập mặn ở Thái Bình thì rừng đặc dụng chiếm trên 3.000 ha còn lại là rừng phòng hộ. Ở một số xã như Nam Hưng, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) còn duy trì được một phần rừng nguyên sinh và có mật độ cây rừng gồm 2 tán, rừng hỗn giao bên dưới là vẹt, bên trên là bần. Trong những năm qua, công tác trồng rừng, quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn ở Thái Bình luôn được tỉnh quan tâm chú trọng, huy động sức mạnh của cả cộng đồng tham gia, ý thức bảo vệ rừng trở thành việc làm mang tính tự nguyện, tự giác của mỗi người dân vùng ven biển. Nhờ vậy, hầu hết diện tích rừng ngập mặn ở Thái Bình được quản lý bảo vệ tốt và được nhiều địa phương trong cả nước đến thăm quan học hỏi kinh nghiệm.

 

Xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải có gần 800 ha rừng ngập mặn, là một trong những địa phương có diện tích rừng ngập mặn nhiều nhất của huyện. Sú, đước, bần cùng nhau đua chen vươn tán, tạo cho Nam Hưng có một bức tường thành vững chắc, không những bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển trong những ngày mưa bão mà còn mang lại những nguồn lợi về kinh tế. Vì thế, người dân ở đây luôn có ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, cả xã không có người nào chặt phá rừng. Chính quyền xã chỉ đạo rất chặt chẽ việc bảo vệ rừng phòng hộ, không để những dự án khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng làm đầm nuôi tôm. Xã thành lập tổ bảo vệ rừng hàng ngày thay nhau đi tuần tra tất cả các cánh rừng, phát hiện và ngăn ngừa những sai phạm phá rừng của người dân. 

 

Cuối năm 2008, UNESCO đã công nhận vùng đất ngập mặn ven biển của Thái Bình là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ý thức được vấn đề là vùng dự trữ sinh quyển sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng, trong những năm tới chương trình trồng rừng của Thái Bình tiếp tục hỗ trợ bà con các xã ven biển trồng rừng. Với những nơi đất bãi ven biển còn tiếp tục lấn ra, tỉnh sẽ đầu tư để bà con phát triển rừng, tạo đai rừng lớn hơn. Đặc biệt là tỉnh cũng xác định những vùng đất bãi ven đê chưa có rừng khép kín, sẽ có những chương trình, dự án đầu tư trồng rừng bằng nguồn vốn nâng cấp đê biển.