Để Lăng Cô thật sự là "vịnh đẹp thế giới"

Cập nhật: 01/07/2009
Nguồn: Bộ TNMT
Lăng Cô vừa được Câu lạc bộ các Vịnh biển đẹp nhất thế giới trao tặng danh hiệu một trong 30 vịnh đẹp thế giới.
Trước kia, 100 hộ dân sống ở đầm Lập An, thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc chủ yếu sống bằng nghề khai thác hàu và sản xuất vôi. Ở khu vực này có 16 lò vôi và cứ dịp vào vụ (từ tháng 4 đến tháng 8) cả ngày lẫn đêm  nơi đây tấp nập như một công xưởng. Người đội hàu dưới hầm lên đổ vào lò, kẻ bốc vôi thành phẩm đưa ra Huế hoặc chuyển vào Đà Nẵng để tiêu thụ. Nghề này đã mang lại một khoản thu nhập lớn cho người dân địa phương. Trung bình mỗi ngày một lao động chính ở đây có thể thu nhập ngót 100.000 đồng.

Từ việc khai thác thủ công ban đầu, khi kinh tế phát triển, việc khai thác vôi hàu dần được "hiện đại hóa". Người ta dùng máy hút để khai thác vôi hàu. Đây chính là nguyên nhân làm ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái của cả một khu vực. Tới nay, không chỉ gần 1.000 hộ dân quanh đầm Lập An bị ảnh hưởng mà cả khu vực vịnh Lăng Cô cũng đã bị ô nhiễm.

Có thể nói, điều Câu lạc bộ Vịnh biển đẹp nhất thế giới lo lắng khi công nhận Lăng Cô là vịnh đẹp thế giới đã xảy ra. Hiện tình hình sản xuất vôi hàu ở Lăng Cô đứng đầu trong 9 làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và đã có tên trong danh sách "đen" các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thuộc diện phải xử lý triệt để.

Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán chưa có lời giải đối với lãnh đạo huyện Phú Lộc và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hàng ngàn lao động sản xuất vôi hàu sẽ làm gì, sinh sống ra sao khi họ phải chuyển đổi ngành nghề. Ngoài nuôi trồng thủy sản ra, người dân nơi đây chẳng còn biết sống bằng nghề gì, trong khi diện tích mặt nước hầu như đã cạn kiệt. Mặc dù cùng với lệnh cấm khai thác sản xuất vôi hàu chính quyền địa phương đã có chính sách cho các hộ dân vay vốn từ 7-15 triệu đồng để chuyển sang nghề khác. Nhưng những hộ dân này vẫn phải bó tay vì chưa tìm nổi một nghề để chuyển đổi.

Được biết, ngày 23/6 mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao UBND huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư xây dựng "Đề án sắp xếp lại hoạt động sản xuất vôi hàu ở Lăng Cô". Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải giải quyết các vấn đề giảm thiểu tối đa việc gây ô nhiễm môi trường và có lộ trình hợp lý chuyển đổi ngành nghề cho lao động địa phương trong thời hạn từ 10 đến 12 năm.

Vẫn biết đây là vấn đề nan giải không riêng chỉ với Thừa Thiên - Huế, với nghề sản xuất vôi hàu của huyện Phú Lộc, nhưng vì một Lăng Cô "vịnh đẹp thế giới", vì môi trường sống trong lành cho cộng đồng quanh Lăng Cô, thiết nghĩ, các ngành chức năng của Thừa Thiên - Huế phải đồng lòng, kiểm tra sát sao để vừa bảo đảm được kế sinh nhai cho người dân vừa giải quyết tốt bài toán môi trường. Bên cạnh đó, rất cần ý thức hợp tác của mỗi người dân, để Lăng Cô thật sự xứng đáng là vịnh đẹp thế giới.