Xử lý thành công ô nhiễm hồ Văn

Cập nhật: 09/07/2009
Nguồn: TITC (theo VnMedia)
Sau một năm kể từ khi các nhà khoa học bắt tay vào xử lý nước ô nhiễm hồ Văn và theo dõi sự phục hồi của nước hồ Văn, ngày 8/7, các nhà khoa học thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã chính thức bàn giao lại cho khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám một  “hồ Văn trong xanh” với cá bơi tung tăng và nhiều loài thuỷ sinh sinh sống, không còn hiện tượng tảo, rác rưởi làm bẩn hồ nước.

Trong quá trình xử lý, ngoài việc rải hoá chất (LTH 100) xuống hồ, nhóm của tiến sĩ Nguyễn Phú Tuân đã tiến hành xử lý tiếp môi trường nước hồ Văn với chế phẩm vi sinh vật TP05-Super (vi sinh vật phân hủy hữu cơ vùng đáy) của Công ty cổ phần công nghệ sinh học. Sử dụng bột hấp phụ LTH - 68, lắp đặt hệ thống cung cấp ôxy, đưa một số giống cá (trê lai, trôi, chép…) cũng như trồng một số loại thực vật thủy sinh (thủy trúc, rau muống, rau ngổ…) tại hồ Văn. Điều này sẽ tạo ra đa dạng sinh học trong hồ và cân bằng sinh thái nước.

 

Tại lễ bàn giao công trình xử lý ô nhiễm nước hồ Văn, Tiến sĩ Nguyễn Phú Tuân (Giám đốc Công ty Cổ phần Xanh, thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc), Chủ nhiệm công trình cho biết, đến thời điểm hiện tại, nước hồ Văn đã ổn định và đạt tiêu chuẩn. Chỉ số ô nhiễm nước ở đây đã nằm trong Tiêu chuẩn Việt Nam 5945-2005.

 

Theo đó, các chỉ số cơ bản như mật độ tảo độc đã được giảm đến mức thấp nhất, COD, BOD, tổng chất rắn, tổng nitơ và tổng phospho đều nằm trong phạm vi cho phép. Hiện nước hồ Văn đã không còn hôi thối, cá sống và phát triển bình thường, sinh vật và thuỷ sản sinh sống tốt, nước đã trong trở lại. Nó đã chứng minh yếu tố thân thiện với môi trường của bộ giải pháp xử lý ô nhiễm nước tại hồ Văn mà nhóm của tiến sĩ Tuân áp dụng. Điều quan trọng là phải có các giải pháp đảm bảo sự bền vững về môi trường để các loài thuỷ sinh, tôm cua cá phải sống được lâu dài trong nước hồ.

 

Theo tiến sĩ Tuân, sự tham gia của cộng đồng dân cư sống trong khu vực hồ Văn là cực kỳ quan trọng để có được thành công như hôm nay, song song với việc áp dụng một công nghệ tiên tiến. Trong thời gian qua, nhóm các nhà khoa học đã tổ chức một số hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Từ khi hồ Văn được làm sạch, tự nhiên người dân ở đây cũng có ý thức hơn. Việc vứt rác xuống hồ giảm hẳn, họ tự giác nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh cho khu vực hồ, sợ phải chịu đựng mùi hôi thối và cảnh bẩn thỉu của hồ Văn trước đây.

 

Do hồ Văn là một trong những điểm quan trọng thuộc quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, nơi có đảo Minh Châu với những giai thoại về các sĩ tử vườn Giám, nên việc xử lý ô nhiễm môi trường nơi đây mang nhiều ý nghĩa.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó GĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đánh giá: “Kết quả thử nghiệm đã tăng giá trị nhiều mặt của khu di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng và đặc biệt quan trọng này.” Qua đó, ông Hòa mong muốn việc xử lý nước hồ của nhóm tác giả trên sẽ được nhân rộng để góp phần cho Thủ đô ngày càng trở nên xanh - sạch - đẹp. Nhất là khi thời điểm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tới rất gần.

Được biết, ngoài việc xử lý ở hồ Văn, nhóm các nhà khoa học cũng đã rất thành công khi xử lý ô nhiễm tại bãi rác Núi Bông (Vĩnh Phúc).