Những năm gần đây, du lịch nông thôn được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đẩy mạnh phát triển theo hướng quan tâm đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người, ngành nghề và những sản vật của địa phương... Du lịch nông thôn được nhiều địa phương xem là "mỏ vàng" trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Du khách thăm quan tuyến đường tre tại khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Hữu Nghĩa)
Xây dựng nông thôn mới thành công nhưng chưa chắc đã làm được du lịch, nhưng nếu làm du lịch thành công thì có thể làm tốt việc xây dựng nông thôn mới, bởi khi chúng ta làm du lịch thì các điều kiện về cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự, văn hóa, kinh tế... được bảo đảm thì cũng phù hợp các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Khi người dân và chính quyền bắt tay làm du lịch
Năm 2016, du lịch nông nghiệp ở Ðồng Tháp bắt đầu được phát triển và nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước khi sở hữu thương hiệu du lịch Ðồng Tháp Ðất sen hồng.
Hiện nay, các huyện như: Tháp Mười, Cao Lãnh, thành phố Sa Ðéc... đang tận dụng tối đa không gian mênh mông sông nước cùng những cánh đồng lúa, đồng sen trải dài, những vườn xoài xanh mát phục vụ du lịch một cách hiệu quả.
Anh Châu Minh Lân, du khách trong đoàn Famtrip đang có chuyến du lịch trải nghiệm tại vườn xoài ông Tư Mách, điểm trồng xoài theo hướng hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc, phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại huyện Cao Lãnh cho biết, anh ấn tượng với con đường dẫn vào các điểm tham quan vườn xoài, không chỉ cho thấy sự đầu tư về khoa học công nghệ mà còn là con mắt thẩm mỹ của chủ vườn, khi đã tạo ra một khu vườn mát mẻ, sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân, chính quyền nơi đây rất thân thiện, tạo cảm giác gần gũi đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.
Vườn xoài của ông Tư Mách mỗi ngày đón hàng trăm lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Cùng với thu hoạch từ xoài, việc du khách đến tham quan, trải nghiệm cũng đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho gia đình ông.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, làm nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch cho thu nhập gấp 1,5 lần so với làm nông nghiệp đơn thuần. Ðây cũng là giải pháp tối ưu giúp tận dụng lao động nông nhàn, gia tăng thu nhập, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Ðồng Tháp đã phê duyệt quy hoạch hơn 100 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng với 63 điểm đã đi vào hoạt động. Trong đó có 8 homestay; 2 farmstay, 53 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề, còn hơn 40 điểm du lịch cộng đồng đang tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.
Khai thác cảnh quan thiên nhiên, sản phẩm OCOP và văn hóa bản địa không chỉ là thế mạnh của tỉnh Ðồng Tháp mà còn của nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Thanh Hóa. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến, hiện tỉnh đã có định hướng phát triển và đang xây dựng đề án phát triển du lịch nông nghiệp. Chín tháng qua, các khu, điểm du lịch trong tỉnh Thanh Hóa đã đón được 10.385 nghìn lượt khách, gấp 3,3 lần so cùng kỳ; tổng thu du lịch đạt hơn 19 nghìn tỷ đồng, vượt 6,4% kế hoạch đề ra. Cùng với các loại hình du lịch truyền thống khác thì du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng đóng góp đáng kể trong tổng thu từ doanh thu du lịch.
Hiện thực hóa phương châm "một điểm đến, đa dịch vụ", ngoài làm mới các sản phẩm du lịch truyền thống, thời gian gần đây các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức, phát triển thêm các sản phẩm du lịch nông nghiệp như: Tham quan, trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ, huyện Như Xuân; Làng du lịch Yên Trung (Yên Ðịnh); Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc ở thành phố Thanh Hóa...
Giám đốc điều hành Công ty cổ phần du lịch Mã Giang Bùi Việt Ðức chia sẻ: xu hướng du lịch đồng quê hiện đang được nhiều du khách lựa chọn. Trong khai thác, phát triển loại hình du lịch này, doanh nghiệp chú trọng chuyển tải các thông điệp về truyền thống lịch sử, hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm du lịch, gắn du lịch với giáo dục truyền thống lịch sử-văn hóa địa phương. Chỉ tính riêng khu du lịch Linh Kỳ Mộc, nơi có bảo tàng giới thiệu sản phẩm gốm Tam Thọ đã đón được hơn 10 nghìn lượt khách chỉ trong bốn tháng sau đại dịch, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Thêm động lực cho du lịch nông nghiệp, nông thôn
Nguồn lợi từ phát triển du lịch nông nghiệp được ghi nhận tăng 1,5 lần so với làm nông nghiệp đơn thuần. Vì vậy, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch nông thôn nhằm thực hiện thành công Chương trình đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ðể hiện thực hóa chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng đề án triển khai, trong đó xác định đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chỉ tính riêng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nhằm giới thiệu đặc sản địa phương để du khách trải nghiệm, mua làm quà biếu và làm quà lưu niệm. Trong đó, nhiều vùng đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các điểm du lịch nông thôn đặc sắc, như: Miền núi phía bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
Chỉ tính riêng tỉnh Ðồng Tháp, giai đoạn 2016-2021, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đón tiếp và phục vụ hơn 4 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 486 tỷ đồng.
Ðẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, qua đó nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững...
Triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị, địa phương xác định đây là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới, theo hướng "điểm đến" sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ…
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các hệ thống chính trị-xã hội, địa phương, định hướng phát triển loại hình du lịch này sẽ sớm được hoàn thiện và hoạt động theo quy hoạch, đi đôi với xây dựng điểm đến an toàn, bảo đảm an toàn cho du khách, đồng thời đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nông thôn Việt Nam nói chung và phong trào xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Bài, ảnh: Sơn Nghĩa và Mai Luận