Nằm trong lòng thung lũng Sủng Là của cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Làng văn hóa du lịch (VHDL) Lũng Cẩm gây ấn tượng đối với du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc hiện đang sinh sống tại đây. Lũng Cẩm còn đặc biệt bởi có những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi cổ kính, từng được chọn làm bối cảnh chính cho nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng như: Chuyện của Pao, Lặng yên dưới vực sâu...
Nằm trên địa bàn xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Làng VHDL Lũng Cẩm là nơi sinh sống của gần 70 hộ dân với 300 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc: Mông, Lô Lô và Hoa; trong đó, người Mông chiếm khoảng hơn 85% dân số. Nét riêng của người dân nơi đây là họ sống trong những ngôi nhà trình tường có niên đại trên dưới 100 năm. Giữa một vùng bát ngát của cao nguyên đá, Lũng Cẩm nhỏ bé nổi bật với khung cảnh thiên nhiên xanh mát của các loại cây trái và những ngôi nhà bình dị, mộc mạc như chính chủ nhân của nó
Với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, Làng VHDL Lũng Cẩm đã được lựa chọn làm bối cảnh chính trong bộ phim “Chuyện của Pao” được chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Thị Bích Thúy. Bộ phim đạt nhiều giải thưởng quan trọng tại Liên hoan phim Cánh Diều Vàng năm 2005
Người chủ xây dựng ngôi nhà được sử dụng làm bối cảnh chính trong phim là ông Mua Súa Páo. Ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc vùng cao nguyên phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Mái ngôi nhà được lợp bằng ngói âm dương, tường được trình bằng đất, nền nhà được lát bằng những khối đá to do bàn tay người thợ đục đẽo mà thành. Vào năm 2014 ngôi nhà này tiếp tục được chọn làm bối cảnh chính trong bộ phim truyền hình “Lặng yên dưới vực sâu”.
Là xã điểm xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng của Sủng Là đã cơ bản được đầu tư hoàn chỉnh theo các tiêu chí, đặc biệt ngày 16/11/2017, UBND huyện Đồng Văn đã tổ chức Lễ Công bố
Làng VHDL thôn Lũng Cẩm vẫn giữ được vẻ cổ xưa nhờ những ngôi nhà trình tường có niên đại hàng trăm năm. Theo thời gian, các mái nhà được phủ một lớp rêu xanh, càng tạo nên vẻ cổ kính cho ngôi làng
Những ngôi nhà này được dựng thủ công hoàn toàn và bằng những vật liệu sẵn có như đất để trình tường nhà, ngói, gỗ và hàng rào đá bao quanh nhà. Xung quanh làng được bao bọc bởi dãy núi đá trùng điệp vững chắc, như bức tường thành che chở cho làng
Màu ngói hòa lẫn trong màu xám của núi đá, đan xen là màu xanh của những nương ngô, cây sa mộc, cây ăn quả... tạo thành bức tranh đẹp nổi bật giữa miền cao nguyên đá. Những khoảnh khắc bình yên khiến những người ưa xê dịch mê mẩn.
Đến với Lũng Cẩm, hình ảnh quen thuộc mà du khách thường bắt gặp đó là những người phụ nữ Mông mang theo bên mình cuộn lanh ngồi dệt vải trước hiên nhà.
Cùng với đó, tham quan Lũng Cẩm, chúng ta còn có cơ hội được lắng nghe những bài hát, những câu dân ca, thưởng thức những điệu múa mang nhiều ý nghĩa về giáo dục và quan niệm sống do chính những cư dân của làng thể hiện
Những tiếng khèn, tiếng trống được người dân bản xứ lưu giữ và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
Vũ Mừng