Nằm cách thành phố Đồng Hới khoảng 60km về phía Bắc, Khu Du lịch Sinh thái suối Moọc thuộc địa phận xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được ví như viên ngọc bích bí ẩn giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.
Ngay từ cái tên “nước Moọc” của Khu du lịch này đã khiến chúng tôi ai cũng tò mò. Chị Nguyễn Thị Hương Giang, hướng dẫn viên du lịch cho biết, tên gọi “Moọc” theo tiếng địa phương có nghĩa là “mọc”, tức là nước mọc từ dưới lên. Nguồn nước ở đây khá đặc biệt, nó bắt nguồn từ hệ thống sông ngầm bí ẩn chảy trong lòng các dãy núi đá vôi và là hợp lưu của nhiều khe nước nhỏ trồi lên từ dưới lòng đất. Đây là một trong những hiện tượng thiên nhiên độc đáo và kì thú mà các chuyên gia thám hiểm Hoàng gia Anh sau khi tiến hành khảo sát vẫn chưa thể giải thích được.
Được ví là nơi giống như chốn giải nhiệt giữa cái nắng đỏ lửa trong mùa hè của mảnh đất gió Lào cát trắng, càng đi chúng tôi càng cảm thấy sự khác biệt của không khí nhờ làn gió mát được thổi lên từ hơi nước của những dòng suối chảy xiết. Khu Du lịch Sinh thái suối nước Moọc rộng khoảng 30ha, bao quanh bởi dãy núi đá vôi dựng đứng, ở giữa là thung lũng. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ khám phá sự đa dạng của cảnh quan đá, suối nước, cây xanh và muông thú trong quãng đường dài 1500m đang được bảo tồn và đưa vào làm điểm tuyến du lịch cho khách tham quan.
Vẻ đẹp hoang sơ và trong lành của suối Moọc. Ảnh: Thanh Giang
Những cánh bướm rập rờn trên bờ suối Moọc. Ảnh: Tất Sơn
Một lớp thảm thực vật trên đá. Ảnh: Thanh Giang
Một chiếc cầu tre bắc qua những ghềnh đá tô điểm thêm cho vẻ đẹp hoang sơ của suối Moọc. Ảnh: Tất Sơn
Suối Moọc có màu nước xanh đặc trưng do có dòng nước chảy ngầm qua những dãy núi đá vôi. Ảnh: Thanh Giang
Đến với suối Moọc du khách sẽ được thưởng thức những món đặc sản đáng nhớ của địa phương. (Ảnh: Thanh Giang)
Theo thống kê của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hệ sinh thái Khu Du lịch Sinh thái suối nước Moọc gồm 1081 loài động vật và 2560 loài thực vật. Đây là điểm du lịch đầu tiên của tỉnh Quảng Bình kết hợp giữa việc phát triển loại hình du lịch sinh thái với mục tiêu giáo dục môi trường, bảo vệ thiên nhiên và các giá trị di sản.
Đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, chúng tôi như bị mê hoặc trước vẻ đẹp huyền ảo của những tán cây cổ thụ rợp bóng thỉnh thoảng có tia nắng xuyên qua tán lá, những cây cầu nhỏ xinh bắc ngang qua những khúc suối trong vắt, lúc chảy êm ả lúc lại chảy xiết tung bọt trắng xóa, ở giữa lô nhô vài tảng đá vô vàn hình dáng và kích cỡ trông rất lạ mắt. Hai bên bờ là những đóa hoa vàng anh nở đỏ rực rỡ, hương thơm ngào ngạt mang đặc trưng của hệ thực vật khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Khung cảnh thiên nhiên nơi đây như hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Khi đã đi bộ thấm mệt, chúng tôi đến bãi tắm chính của Khu du lịch, trải nghiệm cảm giác mạo hiểm bằng cách chèo kayak và đắm mình dưới làn nước mát lạnh trong cái nắng chói chang của ngày hè.
Điểm dừng chân cuối cùng chính là hồ nước rộng 90m2 phía thượng nguồn và được xem là điểm khởi thủy của suối nước Moọc. Tại nơi đầu nguồn nước này, chúng tôi được chiêm ngưỡng sự kỳ lạ của dòng suối với những cột nước thấp vẫn đang mọc lên từ lòng đất và tuôn chảy thành dòng suối nước Moọc để hòa vào dòng sông Chày xanh ngắt. Theo chị Nguyễn Thị Hương Giang, nước ở đây xanh quanh năm nhưng điều kỳ lạ là cứ vào giữa những ngày hè nắng to, nước càng trong và xanh ngắt và đó vẫn còn là thách thức khám phá tìm hiểu đối với các nhà khảo sát.
Chuyến tham quan Khu Du lịch Sinh thái suối nước Moọc của chúng tôi kết thúc bằng việc thưởng thức những món ăn dân dã với sự đón tiếp nhiệt tình của người dân mảnh đất đầy nắng và gió Quảng Bình trong những khu nhà chòi dựng lên giữa rừng. Đây là điểm dừng chân cho khách tham quan nghỉ ngơi trong tuyến du lịch “Hang Tối - sông Chày - suối nước Moọc”./.
“Suối nước Moọc nằm trong phân khu du lịch hành chính Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, được đưa vào làm tuyến du lịch sinh thái vào năm 2008, dưới sự phối hợp khảo sát và đầu tư giữa Ban Quản lý Vườn và Dự án “Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng” của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức”.
|