Trong phạm vi hộ gia đình, môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các thành viên trong gia đình đó. Nếu các thành viên trong gia đình đều có ý thức và hành động bảo vệ môi trường, thì các vấn đề môi trường mới có thể giải quyết được ở phạm vi địa phương, khu vực hay toàn cầu.
Theo Điều 53, Luật Bảo vệ Môi trườngnăm 2005 quy định như sau: Hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường sau đây:
Thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định; xả nước thải vào hệ thống thu gom nước thải;
Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn và tác nhân khác vượt quá tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh;
Nộp đủ và đúng thời hạn các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
Tham gia hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng và hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư;
Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người;
Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hương ước, bản cam kết bảo vệ môi trường.
Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí gia đình văn hóa. Để thực hiện tốt Điều này và hoạt động bảo vệ môi trường tại hộ gia đình có hiệu quả, thiết thực các hộ gia đình cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:
Tuyệt đối không vứt rác bừa bãi xuống sông, rạch, ra đường, nơi cộng cộng,..... Tạo thói quen tiết kiệm trong mua sắm hàng hóa, để thải ít rác và phân loại rác để tận dụng, tiết kiệm, tái sinh rác.
Mỗi hộ gia đình ở nông thôn nên đào hố xử lý rác, để tránh thải rác thải tràn lan gây mất vệ sinh. Mùa khô nên gom đốt rác sạch sẽ, mùa mưa hay mùa ngập nước lũ cần lấp kín miệng hố để rác không trôi đi.
Mỗi hộ gia đình ở khu thành thị, khu dân cư tập trung cần thực hiện đổ rác đúng nơi quy định và đóng lệ phí thu gom rác theo quy định.
Các loại rác khô – rác vô cơ, gồm: giấy vụn, sách, báo cũ, chai lọ thủy tinh, lon kim loại, sành sứ, cao su, nhựa, vải vụn, đồ điện, xà bần…. cần chứa vào thùng hoặc bao riêng để sử dụng lại, cho người khác hoặc bán phế liệu.
Các loại rác ướt – rác hữu cơ, gồm: lá cây rụng, rau quả hư hỏng, đồ ăn thừa, xác độmg vật, phân chăn nuôi,…. cần chứa vào thùng có nắp đậy kín để tránh chuột, gián, ruồi và hạn chế mùi hôi.
Hàng ngày đổ rác vào đúng nơi quy định để ủ phân (hố chôn lấp rác tại hộ gia đình) hoặc hợp đồng thu gom, xử lý rác thải tại các bãi xử lý rác tập trung của địa phương.
Các loại rác độc hại, gồm: pin, bình ắc quy, hóa chất các loại, thuốc trừ sâu,…. cần lưu giữ riêng biệt để bán phế liệu (nếu có người mua) hoặc chứa kín, đặt xa khu dân cư hoặc chôn sâu vào đất ở nơi xa khu dân cư và nguồn nước.
Thực hiện khẩu hiệu “3T”: Tiết kiệm – Tận dụng – Tái sinh theo nguyên tắc càng ít chất thải thải ra môi trường càng tốt. - Tiết kiệm: là giảm việc sử dụng bao bì, khi có thể nên mua đồ dùng có khối lượng lớn để dùng dần (bột giặt, dầu gội đầu,…) vừa rẻ vừa ít bao bì.
Hạn chế mua các sản phẩm có bao bì cầu kỳ và nhiều, vì khi đóng gói đã phải tiêu thụ nhiều nguyên, nhiên liệu, khi in cũng thải ra nhiều chất nguy hiểm và khi đốt rác sẽ sinh ra các chất độc hại cho môi trường và con người.
Nên mua các sản phẩm được bao gói hay đựng trong những bao bì có thể tái sinh được, các loại sản phẩm có bao bì dễ tiêu hủy trong tự nhiên hoặc có thể dùng lại nhiều lần, sẽ tiết kiệm nguyên liệu lấy từ thiên nhiên. Sử dụng cả 2 mặt giấy khi photocppy, viết và in.
Cố gắng dùng các loại giấy tái sinh nhằm hạn chế chặt hạ cây để làm giấy mới. Nên đem theo dụng cụ đựng hàng hóa (giỏ, túi xách, ….) thay cho việc dùng giấy, bịch nilong khi đi chợ, mua sắm, vừa tiết kiệm vừa giảm rác thải.
Tận dụng rác: Đồ dùng trong nhà, quần áo, đồ chơi cũ không sử dụng nữa, thì cho người khác tiếp tục sử dụng.
Các loại vải vụn có thể nối ráp thành đồ dùng, vật trang trí, quần áo rách dùng làm giẻ lau,.. Sách báo, tập vở cũ dùng làm giấy gói, bao bì.
Chai, bình, hũ,… dùng đựng sản phẩm khác hay tạo thành vật trang trí trong nhà. Xà bần các loại dùng trải đường, lát nền…
Tái sinh rác: Kim loại (đồng, kẽm, chì, sắt, thép, thau…) được luyện lại và chế tạo ra đồ dùng, vật liệu. Chai lọ, ống thuốc, thủy tinh được thu gom về nấu lại và thổi thành các dạng chai lọ mới.
Các đồ dùng vật liệu nhựa, bao nylong được tái chế thành đồ dùng, bao bì, bục kê. Giấy vụn được tái chế thành giấy bao bì, thùng cáctông. Các loại phân chuồng, thức ăn thừa của người và gia súc cho vào hầm biogaz để tạo thành chất đốt phục vụ việc đun nấu, thắp sáng…
Xử lý nước thải: Các hộ gia đình cần có đường thoát nước ra cống công cộng hoặc mương thoát nước; không thải nước thải tràn lan ra đường vừa mất vệ sinh và mỹ quan. Tận dụng nước rửa rau để tưới cây, nước giặt quần áo để lau chùi đồ vật, quét dọn nhà cửa, rửa xe,… Nước tiểu, nước thải từ chuồng trại chăn nuôi, khu vệ sinh cần thu gom, xử lý bằng hầm tự hoại hoặc hầm biogaz.
Mai Anh (ST)