Ngày 09/7, UBND quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội du lịch chợ nổi và đón bằng công nhận văn hóa chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, cho biết đây cũng là hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh chợ nổi Cái Răng, tạo điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ nói chung và quận Cái Răng nói riêng đến với du khách trong và ngoài nước.
“Qua đây, tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh du lịch trong và ngoài quận liên kết tour, tuyến với các công ty du lịch lữ hành nhằm thu hút du khách đến với Cần Thơ”, ông Phường nói.
Theo ban tổ chức, Ngày hội du lịch còn diễn ra nhiều hoạt động như diễu hành ghe, tàu du lịch trên sông, hội thi tạo hình trái cây, giao lưu đờn ca tài tử, giới thiệu sản phẩm truyền thống, ẩm thực và trái cây…
Ngoài chợ nổi Cái Răng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn công nhận thêm 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia khác ở nhiều địa phương trong cả nước.
Cụ thể, có 4 lễ hội truyền thống được công nhận, gồm lễ hội Nghinh Ông (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), lễ hội nữ tướng Lê Chân (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng), lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là lễ hội Cá Ông) của ngư dân Đà Nẵng và lễ hội Trương Định (xã GiaThuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Ngoài ra, làng nghề thủ công tre trúc Xuân Lai (xã Xuân Lai, Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) và chữ viết cổ của người Thái (tỉnh Sơn La) cũng nằm trong danh sách được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.