Bao giờ biển lại như xưa?

Cập nhật: 01/08/2016
Câu hỏi đau đáu đó của một số đại biểu Quốc hội chính là tiếng lòng của hàng triệu người dân Việt Nam. Cùng với vấn đề này là hàng loạt câu hỏi khác về những hệ lụy từ thảm họa môi trường biển đã vang lên tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội đầu tiên của Quốc hội khóa XIV hôm 29-7.

Sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra, theo đánh giá của đại biểu Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Quảng Bình, kéo giảm phát triển kinh tế – xã hội, an ninh trật tự và khiến lòng dân không yên. Vị lãnh đạo của một tỉnh có 15.000 ngư dân trực tiếp đánh cá ngoài biển và 45.000 người làm dịch vụ nghề cá cho rằng nỗi bức xúc của người dân vì sự nghiêm trọng của vấn đề chỉ được đáp lại bằng những lời phát biểu cảm tính, thiếu khoa học và thiếu sức thuyết phục của một số lãnh đạo, cơ quan chức năng khiến cho vấn đề càng phức tạp hơn.

 

 

Khi nào thì đánh cá vùng gần bờ được? Khi nào thì yên tâm ăn hải sản? Khi nào thì môi trường biển an toàn? Có thể hiểu được cảm xúc và tâm trạng của đại biểu Trần Công Thuật nếu biết rằng lãnh đạo và nhân dân Quảng Bình đang nỗ lực bứt phá để thoát khỏi thế đứng của một tỉnh nghèo!

 

Tùy mức độ đậm nhạt khác nhau, có thể nói, nỗi lo của Quảng Bình trước những hệ lụy từ sự cố môi trường Formosa cũng là nỗi lo của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Đề cập những vấn đề gai góc xuất hiện sau cơn bão môi trường, đại biểu Hà Sỹ Đồng của tỉnh Quảng Trị nói rằng không chỉ có ngư dân bị ảnh hưởng mà khách sạn, nhà hàng cũng đình trệ, thậm chí khách du lịch tới Quảng Trị giảm chỉ còn 1/10 so với năm 2015.

 

Nhìn ra thế giới, nhiều người chưa quên thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ xảy ra hồi tháng 4-2010 do nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon của Tập đoàn Dầu khí BP (Anh). Vụ việc đã khiến gần 5 triệu thùng dầu thô tràn vào vùng vịnh Mexico, hơn 1.700 km bờ biển phía Nam nước Mỹ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài án phạt 20 tỉ USD, Tập đoàn BP còn phải thanh toán 5,5 tỉ USD cho các hình phạt liên quan đến Đạo luật Nước sạch và 28 tỉ USD cho hoạt động dọn dẹp và đền bù sau sự cố ở 5 bang bị thiệt hại. Một cuộc khảo sát trong tháng 12-2010 cho thấy có hàng trăm ngàn con rùa biển bị tổn thương và 5 năm sau sự cố này, đã có hơn 1.100 con cá heo và cá voi mắc cạn…

 

Đã 4 tháng kể từ khi hiện tượng cá chết xuất hiện gần khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh. Mặc dù đối tượng gây ra sự cố môi trường là Formosa đã nhận lỗi và bồi thường nhưng hậu quả chắc chắn sẽ còn kéo dài và công việc khắc phục là nhiệm vụ không hề đơn giản. “Bao giờ biển lại như xưa?” đã và đang là câu hỏi nóng hổi mà Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan cần sớm có câu trả lời rõ ràng vì sự thúc ép từng ngày của sản xuất và đời sống, đặc biệt là ở 4 tỉnh miền Trung.

 

Với chức năng chính là thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước, từ bài học xương máu Formosa, hy vọng Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận và có những quyết định phù hợp với chiến lược “phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường”

Nguồn: Nguồn: Thiennhien.net