JICA hỗ trợ phát triển Khu dự trữ sinh quyển Langbiang

Cập nhật: 02/08/2016
Tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang (tên tiếng Anh là Management Board of Langbiang World Biosphere Reserve, viết tắt là Langbiang BR).

 

Tỉnh cũng thành lập Hội đồng tư vấn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang với 11 thành viên, trong đó có 7 thành viên là các giáo sư, tiến sỹ đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, tiến sỹ Phạm S, nhấn mạnh trong quá trình hoạt động, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang ưu tiên đảm bảo hài hòa giữa con người và sinh quyển, cảnh quan thiên nhiên.

 

Trên cơ sở các hoạt động hoa học hợp lý, việc đầu tiên của Ban quản lý là tăng cường các hoạt động truyền thông cho nhân dân, các tổ chức, chính quyền liên quan và cả du khách. Ưu tiên thứ 2 là triển khai thực hiện các giải pháp nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Ưu tiên tiếp theo là hoạt động hợp tác quốc tế. Trong hợp tác quốc tế, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang đã chọn Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý, hoạt động và phát triển.

 

Đánh giá rất cao giá trị bảo tồn thiên nhiên và văn hóa của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, cố vấn trưởng dự án JICA, ông Hiroshi Miyazono nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã có chương trình và mục tiêu cụ thể, rõ ràng là đến năm 2020, độ che phủ rừng sẽ đạt tỷ lệ 45%. Việt Nam không chỉ quan tâm đến rừng theo khu vực địa lý mà còn quan tâm đến duy trì bảo tồn hệ sinh thái. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang là nơi thuận lợi để thực hiện điều đó.

 

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang có diện tích lên tới 275.439ha, trong đó vùng lõi là 34.943ha, chủ yếu thuộc địa phần thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Diện tích rừng thông 2 lá dẹt và rừng lùn trên vùng địa hình đối, bán bình nguyên chiếm hơn 60% tổng diện tích rừng của Khu dự trữ. Bên trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang có 1940 loài thực vật thuộc 825 chi và 180 họ thuộc 4 ngành; có 748 loài động vật thuộc 507 giống, 123 họ, 6 lớp.

 

Cả hệ thống động thực vật của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang đều có rất nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, nhiều loài đặc hữu, có giá trị bảo tồn cao.

 

Ông Oda Kensei, Cố vấn trưởng hợp phần đa dạng sinh học, dự án JICA cho biết, dự án Quản lý thiên nhiên bền vững của JICA đang thực hiện tại Việt Nam có 4 hợp phần; trong đó, JICA muốn hướng đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang thực hiện hợp phần thứ 3 là bảo tồn đa dạng sinh học. Chương trình sẽ xây dựng một hệ thống từ bộ ngành đến chính quyền cơ sở đến các yếu tố điều phối, thực thi các quy định, giám sát diễn tiến rừng.

 

Mục tiêu của hợp phần là Hệ thống quản lý hệ sinh thái tổng hợp và hợp tác được thiết lập để quản lý và bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang; tạo khung thể chế cần thiết cho quản lý và vận hành Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang; thỏa thuận quản lý hợp tác như là một công cụ bảo tồn các hệ sinh thái rừng tại vùng lõi và vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang.

 

Các kết quả theo dõi diễn biến rừng và giám sát đa dạng sinh học được sử dụng cho việc quản lý vùng lõi và vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang.

 

Dự kiến, hợp phần này sẽ được thực hiện đến năm 2020.

 

Bên cạnh đó, vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của những tộc người bản địa còn sinh sống bên trong rừng nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển của con người, xã hội cùng với việc bảo tồn sự đa dạng sinh học, vùng rừng đang được tỉnh Lâm Đồng và Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang chú trọng xây dựng chương trình hành động cụ thể bằng những hoạt động sản xuất nông nghiệp thân thiện, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học-giáo dục về thiên nhiên.../.

Nguồn: TTXVN