Thực tế chúng ta đang phải đối diện với các di tích lịch sử-văn hóa hiện nay là gì? Đó chính là những thách thức gay gắt trong việc bảo vệ môi trường di sản trước sự xâm hại, tàn phá của thiên nhiên và con người.
Chỉ cần gõ vào google cụm từ “ di sản bị xâm hại “ là ngay lập tức ta có tới hơn nửa triệu kết quả với các từ ngữ chỉ sự không thể trầm trọng hơn: “kêu cứu“ - “xâm lấn” - “xâm hại” - “xẻ thịt” - "bóp cổ" - “bức tử” - “sắp biến mất”, “biến mất hoàn toàn”…
Chúng ta đều biết, di tích là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất, có giá trị về văn hóa, lịch sử. Di tích là hồn cốt, là tiếng nói của cha ông trao truyền cho các thế hệ. Hơn bốn vạn di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có hơn ba ngàn di tích cấp quốc gia trải dài khắp đất nước, từ miền biên giới cực bắc tới tận mũi Cà Mau. Thực trạng hiện nay là nhiều di tích, kể cả những di tích nổi tiếng, di tích đặc biệt cấp quốc gia đang bị xâm hại, bị làm cho biến dạng, mất dần hoặc đứng trước nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn. Môi trường sinh thái của các di sản ( tức di tích lịch sử, di tích văn hóa) bị đe dọa hàng ngày.
Môi trường sinh thái chính là nguồn sống của di tích, nuôi dưỡng cho di tích và làm cho mỗi di tích có sức sống riêng của mình. Nếu như không có cảnh quan Hồ Tây mênh mông sóng nước với đàn sâm cầm sải cánh, thì liệu các di tích như phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc có sức thu hút như ta đang thấy không? Nếu không có vùng núi rừng Phong Châu trùng điệp bao quanh thì liệu di tích Đền Hùng có được sự hùng vĩ và sức sống như hiện nay không? Câu hỏi tương tự có thể đặt ra với các di tích khác như chùa Hương, Yên Tử, thánh địa Mỹ Sơn, các lăng tẩm ở Huế…
Cho nên, không thể nói đến sự tồn tại của di tích, mà không nói đến môi trường sinh thái di tích đó tọa lạc. Lịch sử luôn luôn có giá trị to lớn của mình, nhưng nếu mọi di tích lịch sử-văn hóa đều bị làm cho biến dạng, méo mó, thoát khỏi môi trường sinh thái vốn có của nó ( trong đó có cả việc “tôn tạo” tùy tiện mà không ít Ban quản lý di tích đã hồn nhiên tiến hành) thì giá trị của di tích, di sản cũng sẽ mất theo, và việc không khéo có những di tích biến mất khỏi bản đồ di tích lịch sử-văn hóa Việt Nam là nguy cơ có thể xảy ra.
Ngay trong lòng Hà Nội, di tích khảo cổ nổi tiếng Hoàng Thành Thăng Long, rồi chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc không chỉ một lần phải gióng lên tiếng kêu cứu trước nguy cơ bị xâm hại thì nói gì tới số phận của những di tích ở những nơi xa xôi, hẻo lánh khác.
Người ta đã từng làm sụp hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn rồi đắp lại bằng bê tông; đã phá dỡ, hủy hoại trong việc trùng tu ngôi chùa Trăm Gian ngót nghìn tuổi – một di tích quốc gia đặc biệt quý hiếm tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội); đã làm hư hại rất nhiều đối với chùa Thầy ở Sơn Tây; hàng quán sôi sục thời kinh tế thị trường đã bủa vây, bóp cổ các di tích “mờ hơi sương” ở chùa Hương; người ta cũng từng lăm le đổ hàng nghìn mét khối bùn xuống vịnh Hạ Long, đã chở tới ngay bên bờ vịnh 7.000 lít hóa chất siêu độc khiến nàng tiên danh thắng nổi tiếng của nhân loại có thời điểm đứng trước nguy cơ tắt thở bất cứ lúc nào…Các cụ rùa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám thì bị sỹ tử nườm nượp đè đầu cưỡi cổ, xoa cho đầu nhẵn thín, không còn chút hoa văn.
Ngay cả các dàn pháo phòng không, tên lửa từng bắn rơi B52 trưng bày trong khu vực bảo tàng, cũng bị các cô người mẫu hở hang, phấn son lòe loẹt, vén váy cưỡi lên uốn éo tạo dáng. Không ít bộ phận tại nhiều di tích nổi tiếng bị người ta vẽ, viết và khắc tên lên một cách bừa bãi, kể cả những câu chửi thề tục tĩu…
Nguy cơ tàn phá của thiên nhiên, bão lũ, sự đỏng đảnh của thời tiết và sự xâm hại, tàn phá của con người tới môi trường di sản diễn ra phổ biến với mức độ rất đáng lo ngại. Có cái sai của nhận thức,có cái sai của hành động, và trách nhiệm không chỉ ở phía du khách, ở người dân sống gần di tích, ở người trông coi di tích, ở ban quản lý di tích, ở chính quyền địa phương mà còn ở cả cơ quan quản lý nhà nước về di tích.
Liên tục và đâu đâu cũng có những thông tin không vui về các di tích lịch sử-văn hóa bị lãng quên, bị xuống cấp, bị xâm hại, bị biến dạng khi trùng tu. Những tiếng kêu cứu đó vang lên thức tỉnh chúng ta trong một thế giới đang phát triển mạnh mẽ và đầy biến động, khi nhiều giá trị mới sinh ra song song với sự mất đi của một số giá trị truyền thống.
Nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo tồn các giá trị truyền thống cùng với việc phát hiện, giữ gìn các giá trị mới. Nhất là với các di sản văn hóa phi vật thể vốn mong manh, dễ vỡ vì bản chất của nó là luôn luôn thay đổi và phát triển.
Sự sống và tương lai các di sản đè nặng trách nhiệm lên xã hội và lên vai các nhà báo. Bởi điều có ý nghĩa quyết định nhất đến tương lai của di sản chính là sự chăm lo và ủng hộ của cộng đồng. Mà điều có tác động mạnh mẽ, tức thời, liên tục và rộng khắp tới cộng đồng lại chính là truyền thông và báo chí.
Chính vì vậy, trong những nỗ lực lớn lao của mình, xã hội cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của báo chí và các hoạt động truyền thông trong việc chuyển tải thông tin và giáo dục công chúng, giúp công chúng hiểu biết và tham gia bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường sinh thái của di sản.
Nhà báo-Môi trường di sản-Thời toàn cầu hóa. Trong ba cặp của phạm trù ấy, nhà báo là chủ thể hoạt động, môi trường di sản là đối tượng hoạt động và toàn cầu hóa là bối cảnh xã hội-tự nhiên các nhà báo hoạt động. Viết báo về môi trường di sản là phản ảnh mối quan tâm về môi trường di sản với cấp độ liên tục, từ cấp độ quốc tế tới cấp độ khu vực, từ cấp độ quốc gia tới cấp độ cơ sở, cấp độ cá nhân, bao hàm cả những vấn đề cần giải quyết và những vấn đề tích cực khác mà xã hội quan tâm.
Một trong những đặc trưng nổi bật của viết báo thời toàn cầu hóa là thông tin chính xác và sự cạnh tranh khốc liệt về tính kịp thời. Chỉ một thông tin thu phí đi bộ trong phố cổ Hội An đã lập tức gây xôn xao không chỉ một phần xã hội chúng ta đang sống, mà còn với cả du khách nhiều quốc gia đã từng đến hoặc đang mong một lần đến với đô thị cổ Hội An-một di sản văn hóa của thế giới.
Nhiệm vụ hàng đầu của nhà báo là đảm bảo cho cộng đồng nhận được những thông tin có thật, đáng quan tâm thông qua sự phản ảnh trung thực, khách quan. Trong báo chí, thông tin được hiểu như lợi ích xã hội chứ không phải như vật thể tiêu dùng. Với định hướng ấy, viết báo về môi trường, đặc biệt là về môi trường di sản trở thành một trong những thách thức trong hoạt động báo chí ở nước ta vốn đang chịu sức ép nặng nề của hiện tượng thương mại hóa.
Chúng ta không có các nhà báo được đào tạo chuyên viết về môi trường. Chúng ta có rất ít các nhà báo chuyên viết về môi trường, và gần như không có các nhà báo chuyên viết về môi trường di sản. Với vai trò quan trọng canh giữ môi trường chung, trong đó có môi trường di sản cho các thế hệ tương lai, nhà báo cần phải truyền đạt kịp thời những thông tin trung thực và phải tạo ra được công luận bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường sống của di sản.
Để giữ được tính khách quan, nhà báo phải tạo ra được một nhận định rõ ràng giữa thông tin và dư luận. Phải nêu rõ căn cứ của những hoạt động xâm hại tới môi trường di sản chứ không chỉ thuần túy là tuyên bố của một nhà khoa học hay một chuyên gia. Những thông tin nêu ra phải có giá trị cả về chiều sâu và tính cụ thể, phải chỉ ra cho độc giả biết những ảnh hưởng nào của vấn đề môi trường tác động lên di sản và tác động lên cuộc sống cộng đồng.
Bài báo có thể làm nổi bật luận điểm tranh cãi hay những ảnh hưởng xấu tới môi trường di sản, giúp những người có thẩm quyền đánh giá đúng thực chất tình hình cũng như phản ứng của dư luận để ban hành các quyết định đúng đắn. Chính vì vậy, bài báo về môi trường di sản thời toàn cầu hóa khác với các bài báo về chủ đề khác ở tính tổng hợp.
Hầu hết các vấn đề về môi trường di sản không chỉ liên quan tới những thông tin kỹ thuật mà còn tới nhiều lĩnh vực khác của đời sống như: xã hội-chính trị-tài chính. Vì vậy, viết về những vấn đề của môi trường di sản cần phải hết sức khách quan, tránh bị điều khiển bởi các phe phái liên quan bởi bất kể lý do nào, nhất là khi ở đó đang là điểm nóng, nổi lên những tranh cãi chưa ngã ngũ.
Mặt khác, vì những vấn đề về môi trường di sản không phát sinh một sớm một chiều, nên sự phản ánh kịp thời trên truyền thông của bạn đọc, nhất là người dân sống gần khu di tích ( thư báo tin, góp ý, đơn kiến nghị, ảnh và tư liệu di tích bị xâm hại...), và đặc biệt là cảnh báo của báo chí là hết sức cần thiết. Ngôi chùa Trăm Gian ngót nghìn tuổi đến khi bị tháo dỡ tan hoang để trùng tu theo cách dựng lên một ngôi chùa mới với vật liệu mới, thì báo chí mới muộn mằn phát hiện và các cơ quan chức năng mới hốt hoảng vào cuộc.
Chúng ta chưa có các nhà báo chuyên viết về bảo vệ môi trường, đặc biệt là với môi trường di sản. Chúng ta chưa mở được các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo viết về môi trường di sản và chưa có giải thưởng báo chí cho các bài báo có tiếng vang mạnh mẽ về đề tài này. Chúng ta cũng chưa có được bản tin nội bộ chuyên ngành cập nhật hàng tuần, hàng tháng về tình hình xảy ra tại các di tích lịch sử -văn hóa trong cả nước. Tất cả những điều đó nằm trong tầm tay chúng ta.
Hiện diện tại Thánh địa Mỹ Sơn - Di sản văn hóa thế giới với tư cách "là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh châu Á đã biến mất", rồi lại có mặt trong lòng đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới nổi bật của một thương cảng châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo, ta như cảm nhận được hơi thở phập phồng, thảng thốt của quá khứ xa xăm. Trong tâm trí chúng ta bỗng hiện lên hình ảnh những di tích hoang phế bị thiên nhiên tàn phá, bị con người bạc đãi, xâm hại ở những nơi xa xôi khác với bao nỗi niềm cay đắng.
Ta nghe trong đó tiếng thở dài, lời trách cứ, những giọt nước mắt và cả sự ngậm ngùi thân phận gửi lại của người xưa. Xây dựng cho được Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường và cấp danh hiệu "Di sản xanh" cho các di tích quốc gia, như Dự án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra, lòng chúng ta có thể sẽ nhẹ đi một chút. Đó là lời tạ lỗi của chúng ta-Một lời tạ lỗi muộn mằn với quá khứ.