Du lịch sinh thái hút vốn ngân hàng

Cập nhật: 11/08/2016
Thời gian qua, nguồn tín dụng ngân hàng được đánh giá là “vốn mồi” kích hoạt làn sóng đầu tư vào mảng du lịch sinh thái ở các địa phương khu vực ĐBSCL nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung. Nhờ đó, các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này thực sự đạt hiệu quả cao, hướng đến mục tiêu đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quý II/2016, các NHTM trên địa bàn 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã cho vay khoảng trên 2.600 tỷ đồng vào các dự án phát triển du lịch, chiếm khoảng gần 4% tổng dư nợ tín dụng du lịch trên địa bàn toàn quốc.

 

Ảnh: Nguồn Internet


Mới đây, các NHTM cũng đã cam kết cho vay thêm khoảng 1.000 tỷ đồng vào các dự án phát triển du lịch xanh tại Kiên Giang, Cần Thơ.

Bên cạnh đó, tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, chính quyền địa phương cũng đã tạo ra các nguồn quỹ với số vốn hàng chục tỷ đồng để ủy thác cho vay phát triển các dự án du lịch cấp tỉnh như làng hoa Sa Đéc, làng sinh thái Cù lao Thới Sơn…

Lãnh đạo Ngân hàng BIDV đánh giá, nhằm hướng đến mục tiêu lớn là kết nối không gian du lịch toàn vùng ĐBSCL và mở rộng sang các quốc gia lân cận khu vực ASEAN. Mới đây, BIDV đã cam kết sẽ dành một khoản tài chính lớn để tài trợ vốn trung dài hạn cho các dự án đầu tư hạ tầng kết nối du lịch 4 nước Việt Nam – Lào – Campuchia và Myanmar.

Đồng thời, ngân hàng BIDV cũng sẽ ưu tiên dành vốn để cho vay phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh, liên quốc gia như: tuyến du lịch dọc sông Mê Kông (Việt Nam – Campuchia), tuyến du lịch sinh thái đường 8 (Thái Lan – Lào – Việt Nam); tuyến hành lang phía Nam (Thái Lan – Campuchia – Việt Nam – Myanmar)…

Đặc biệt hơn, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch tiếp tục phát triển. Trong thời gian qua, một số tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB cũng đã tài trợ hàng trăm triệu USD cho các dự án phát triển môi trường xanh, gắn với ứng phó tác động từ biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, mới đây trong hiệp định tài trợ 560 triệu USD vốn vay của WB dành cho khu vực ĐBSCL, tổ chức này dành khoảng 310 triệu USD để cho vay phát triển các dự án xanh như các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các dự án kết hợp tạo ra sinh kế mới cho người dân chịu ảnh hưởng từ xâm nhập mặn.

Trong khi đó, ADB các năm qua cũng đã tài trợ 100 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch của 3 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông. Những khoản hỗ trợ này thời gian qua đã được giải ngân để xây dựng hàng loạt các cảng sông, thiết lập các hệ thống làm sạch nước thải tại nhiều địa phương ở Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau.

PV.

Nguồn: tapchitaichinh.vn