Từ một nhóm thành lập trên Facebook trong vòng 2 năm qua, Đình làng Việt hiện đã trở thành một địa chỉ tin cậy, một kênh truyền thông mở để “cứu” di sản.
Hoạt động của nhóm Đình làng Việt tại đình Đồng Kỵ - Bắc Ninh.
Theo kế hoạch, sự kiện sinh nhật lần thứ 2 của cộng đồng Đình làng Việt sẽ được tổ chức vào ngày 1/9 tới đây tại Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ Hà Nội. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các thành viên Đình làng Việt.
Như vậy, từ một nhóm thành lập trên Facebook trong vòng 2 năm qua, Đình làng Việt hiện đã trở thành một địa chỉ tin cậy, một kênh truyền thông mở để “cứu” di sản.
Tháng 9/2014, họa sĩ Nguyễn Đức Bình- Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh (Bộ VHTT&DL) người sáng lập ra nhóm, còn được gọi là “trưởng thôn” Đình làng Việt mở nhóm Đình làng Việt trên Facebook. Con số khởi đầu chừng vài trăm thành viên, đến nay đã là 5.950 thành viên.
Ban đầu, mong muốn duy nhất, đồng thời cũng là lời kêu gọi của người sáng lập nhóm là có chỗ để anh em (gồm các chuyên gia bảo tồn, nghiên cứu mỹ thuật, những người yêu di sản và những nhà báo quan tâm tới di sản)… cũng tham gia trao đổi. Và những hoạt động đầu tiên của nhóm là kêu “cứu” cho những ngôi đình làng.
Trước thềm lễ kỷ niệm 2 năm nhóm Đình làng Việt, họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ: Nhìn lại 2 năm qua, những chuyển đi về Xứ Đoài, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Hải Phòng, Ninh Bình... luôn gợi nhớ nhiều dấu ấn.
Các sự kiện đều có sự hiện diện của rất nhiều thành viên tham gia như tọa đàm “Tinh hoa đình làng Việt”, “Đình làng Việt Những điều còn mất”, “Đình làng xứ Đoài những điều còn mất” “Tết Việt”, đặc biệt là những ngày về với bà con dân làng, với các cụ trông đình, tham gia vào các lần kêu cứu cho di sản...
Không những vậy, từ những ngày đầu Đình làng Việt đã được tiếp cận với âm nhạc dân gian, nhiều thành viên từ chỗ chưa hiểu chèo, ca trù, quan họ... giờ đã yêu thích các bộ môn nghệ thuật đó một lẽ rất tự nhiên... bởi tình yêu, sự đam mê nghệ thuật truyền thống đã được lan truyền từ người này sang người khác, từ ca nương, các nhà nghiên cứu sang đến anh kỹ sư, bác sĩ, nhà báo... cả các cháu nhỏ...
Nhiều thành viên từ chỗ không biết nhau, cách biệt về địa lý và cả chuyên môn, giờ nhiều người đã thành người thân thiết trong ngôi nhà chung Đình làng Việt.
Có một thực tế đã được minh chứng, nhờ mạng xã hội, những người yêu di sản ở khắp mọi miền đều có thể đăng tải thông tin về di tích mà họ biết. Đó có thể là những cuộc trùng tu như phá, những di tích chờ sập, những cuộc “đào tẩu” khó hiểu cấu kiện của các di tích cổ, nguyện vọng của người dân nơi có di tích… đều được cập nhật liên tiếp. Để rồi sau khi thông tin được đăng tải trên nhóm, tổ công tác đặc biệt cũng lập tức được thành lập để đến nắm hiện trạng di tích.
Hiện nay, thành viên đông nhất của nhóm là phóng viên di sản. Rồi tiếp đến là các nhà nghiên cứu về văn hóa, nghiên cứu mỹ thuật; đặc biệt là một số nhà quản lý cấp thành phố và nhiều nhà quản lý di tích cũng gia nhập nhóm để nắm bắt thông tin về thực trạng di tích hiện nay…
Một thực tế cũng đã được chứng minh là việc trùng tu di tích đã cẩn trọng hơn rất nhiều từ khi có nhóm Đình làng Việt. Đơn cử như sau thành công của triển lãm “Đình làng Việt: Những điều còn - mất”, Bảo tàng Hà Nội đã liên hệ với nhóm ngỏ ý hợp tác; nhiều ban quản lý di tích cũng liên hệ với nhóm nhờ cố vấn bảo tồn di tích cũng như tổ chức sự kiện. Đặc biệt, nhóm cũng có thêm nhiều thành viên là người Việt sinh sống ở nước ngoài muốn tham gia để hiểu quê hương mình.
Tại Lễ kỷ niệm tới đây sẽ có các hoạt động như công bố các dự án nghiên cứu cá nhân của một số thành viên trong nhóm Đình làng Việt, Dự án sưu tầm nghiên cứu hơn 100 ngôi đình làng, Dự án phục hồi nghê Việt, Dự án nghiên cứu ảo hoá 3D kiến trúc đình làng...
Tại sự kiện này các thành viên sẽ có dịp trao đổi với các nhà nghiên cứu và quản lý di sản, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật về những vấn đề liên quan tới bảo tồn đình làng cũng như di sản văn hoá.
Minh Quang