Một báo cáo dạng bản đồ mang tên Atlas of Ocean Wealth (Bản đồ Atlas về lợi ích của các hệ sinh thái đại dương), chỉ ra những lợi ích kinh tế của các hệ sinh thái đại dương vừa được Tổ chức The Nature Conservancy công bố nhằm hỗ trợ chính phủ và doanh nghiệp đưa ra những quyết định đúng đắn khi khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên biển.
Atlas of Ocean Wealth cung cấp dữ liệu và các thông tin định tính về lợi ích của các rặng san hô ngầm, các đầm lầy, các bãi cây thủy sinh và cả các dải hàu.
Các đại dương chiếm 70% diện tích Trái Đất, đóng góp 190 tỷ USD/năm và cung cấp thực phẩm giàu protein cần thiết cho 17% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy sản lượng đánh bắt cá đang suy giảm, nước trong các đại dương đang nóng lên, mực nước biển ngày càng dâng cao và thời tiết khắc nghiệt đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống ven biển.
Nhà đại dương học Mark Spalding (The Nature Conservancy) thành viên nhóm nghiên cứu khẳng định các hệ sinh thái đại dương mang lại những lợi ích to lớn. Ông dẫn ví dụ về cây đước – loài cây này giúp ngăn chặn các đợt sóng biển nguy hiểm đánh vào đất liền, tạo nơi trú ngụ và sản sinh cho cá, lưu giữ carbon và có thể tự vươn cao lên khi mực nước biển dâng. “Thậm chí những lợi ích này sẽ còn được cải thiện hơn nữa nếu như cây đước có những rặng san hô ngầm và các loài thủy sinh che chở” – Ông Spalding nói.
Bản đồ Atlas cũng cho thấy các rặng san hô cung cấp nơi trú ẩn dọc 150.000 km bờ biển nhiệt đới, bảo vệ khoảng 63 triệu người ở hơn 100 quốc gia. Ông Spalding cho hay: “Lợi ích hàng năm mà các rặng san hô ven biển mang lại cho mỗi người dân Indonesia, Malaysia, Mexico và Philippine là trên 450 USD. Các vùng đầm lầy ven biển cũng chứa 9,6 tỷ tấn CO2, tương đương với tổng lượng carbon mà nước Pháp thải ra trong cùng thời kỳ từ năm 1990”.
Để hoàn thành Atlas này, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ các nguồn truyền thống cũng như khai thác những công nghệ hiện đại nhất. Các nhà khoa học sử dụng cả các nguồn đa phương tiện như hình ảnh Flickr và TripAdvisor để định lượng và chỉ ra giá trị của du lịch sinh thái và lợi ích mà các rặng san hô ngầm mang lại cho du lịch sinh thái.
Ông Robert Brumbaugh, Giám đốc Bản đồ và quy hoạch đại dương của The Nature Conservatory cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổng hợp các thông tin phát triển kinh tế, sinh thái và xã hội cho các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách. Ông cho rằng đối với những nước tham gia Công ước toàn cầu về Đa dạng sinh học thì các thông tin này rất quan trọng. Bởi vì Công ước hướng tới mục tiêu đến năm 2020, 10% lãnh thổ đại dương được bảo vệ, tập trung vào các khu vực mà báo cáo cho là có “các dịch vụ hệ sinh thái” quan trọng.
“Các quốc gia sẽ đạt được cam kết của mình nếu biết được nguồn gốc và cách thức sản xuất các dịch vụ hệ sinh thái.” – Ông Brumbaugh khẳng định.