Nhằm khai thác, giới thiệu đến du khách vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dã đặc trưng với rừng tràm, thảm thực vật phong phú mà tạo hóa đã ban tặng cho Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (LNH), lãnh đạo tỉnh Hậu Giang quyết định “đột phá” xúc tiến khai thác du lịch sinh thái nơi đây kết hợp với công tác bảo vệ rừng.
Lá phổi xanh của đồng bằng
LNH được người xưa gọi với cái tên hết sức dân dã, bình dị là lung “ông trời”. Nơi đây chứa đựng nhiều truyền thuyết dân gian Nam Bộ thuở ban sơ (thuộc địa phận 2 xã Phương Bình và Phương Ninh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Lung được bao bọc bởi dòng kênh Long Phụng, ngập nước quanh năm, từ lâu được xem là rốn cá miền Tây, lá phổi xanh của đồng bằng sông Cửu Long. Với hệ thống lung trũng phong phú và hoang sơ kết hợp với rừng tràm được bảo vệ nghiêm ngặt, LNH là nơi thích hợp cho các loài lưỡng cư, cá tôm về sinh sống nhiều vô kể.
Vẻ đẹp hoang sơ, với nhiều thảm thực vật phong phú ở LNH. Ảnh: ĐỨC KHÁNH
Mặt trời vừa ló dạng, chiếc vỏ lãi nổ máy, rẽ sóng chở chúng tôi luồn lách vào các khu rừng tràm nguyên sinh xanh thẳm. Nơi đây, với hằng hà hệ thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước bao gồm những quần thể rất đa dạng. “Khu bảo tồn có vai trò rất quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long khi nơi đây chứa túi nước ngọt rộng lớn. Hậu Giang đang quy hoạch 2 cống hở ở hai đầu kênh Hậu Giang 3 để chủ động giữ nước ngọt quanh năm ở khu vực này nhằm chủ động thích nghi ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo môi trường thông thoáng, không khí trong lành không chỉ cho Hậu Giang mà cho cả khu vực miền Tây” – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết.
Nơi bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm
Không chỉ là “lá phổi xanh” của đồng bằng sông Cửu Long, LNH còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo. Nơi đây còn lưu giữ vẻ nguyên sơ đặc trưng với rừng tràm cùng trên 330 loài thực vật phong phú, gồm 224 chi, 92 họ; hơn 300 loài chim với nhiều loài có tên trong Sách đỏ; trong đó có 9 loài chim quý hiếm là: Bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là... và các loài thú như: Dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo cùng các loài quý hiếm khác như càng đước, cua đinh, rùa vàng... hơn 200 loài cá và nhiều động vật đặc hữu, rắn, rùa.
Ông Đỗ Chiêu Quí – Giám đốc Sở VHTTDL Hậu Giang cho biết: “Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên LNH đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt, trong đó có quy hoạch phát triển du lịch sinh thái. Loại hình dự kiến khai thác là nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, giải trí, nghiên cứu khoa học…”.
“Với số loài thực vật phong phú như vậy, LNH sẽ là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý; đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại ở miền Tây” – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh.
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước LNH. Với diện tích rộng trên 2.800ha, nơi đây đóng góp vai trò duy trì sự cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử, nhân văn của vùng đồng bằng Nam Bộ. |