Vì sao nhiều du khách nước ngoài không có ý định trở lại Việt Nam?

Cập nhật: 26/08/2016
Việt Nam nổi tiếng với những địa điểm du lịch hấp dẫn như vịnh Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, hang Sơn Đoòng, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Sapa. Với nhiều yếu tố hấp dẫn nhưng ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với thực tế là có rất nhiều khách du lịch nước ngoài không có ý định trở lại Việt Nam lần thứ 2.

 

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 ước tính đạt 4.706.324 lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù, có sự tăng trưởng về số lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong nửa đầu năm nay, nhưng so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia con số này vẫn vô cùng khiêm tốn. Trong năm 2014, Lào đón 3.000.000 lượt khách quốc tế, tương đương với 50% dân số. Campuchia đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với 30% dân số. Việt Nam đón 7,9 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với 8,7% dân số. Những số liệu này phản ánh thực tế du lịch Việt Nam chưa thu hút được lượng khách quốc tế tương ứng với tiềm năng du lịch quốc gia.

Tại sao có đến 70% khách du lịch đến Việt Nam và không quay trở lại. Lý giải tình trạng “một đi không trở lại” này có thể liệt kê ra những lí do cơ bản sau.

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể tới là thái độ của người dân địa phương, tình trạng “chặt chém” khách du lịch. Họ luôn có cảm giác đang phải trả giá quá cao so với giá trị thực tế của dịch vụ, hàng hóa mà người dân địa phương cung cấp. Nhiều khách du lịch cho biết ngay cả khi họ ăn ở những nhà hàng có niêm yết giá thì không hiếm trường hợp họ phải thanh toán hóa đơn đã đội thêm những chi phí “khó hiểu”. Quán café địa phương tại phố cổ Hội An hầu như đều có menu bằng tiếng Anh với mức giá cao gấp đôi so với menu tiếng Việt.

 

 

Trong khi quốc gia láng giềng như Thái Lan miễn thị thực 30 ngày cho khách du lịch thì hình thức cấp thị thực của Việt Nam vẫn gây khó khăn cho khách du lịch. Vấn đề phương tiện vận chuyển là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Nhiều khách du lịch cho biết họ gặp khó khăn để đặt một chuyến bay trước vài ngày đến các địa điểm như Nha Trang, Đà Lạt. Đối với du lịch bằng ô tô, đã có nhiều trường hợp tai nạn nghiêm trọng xảy ra gây lo ngại cho khách du lịch.

Với phương tiện tàu hỏa, nhà vệ sinh xuống cấp và ít nhân viên giao tiếp được bằng tiếng Anh là rào cản cho khách du lịch khi lựa chọn hình thức di chuyển này. Với du khách nước ngoài, giao thông tại Việt Nam là một thử thách, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh số lượng phương tiện quá đông, ùn tắc giao thông xảy ra gần như hàng ngày. Nhiều người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở cồng kềnh, quá tải và nhiều vấn đề giao thông khác khiến du khách cảm thấy không an toàn.

Vấn đề rác thải, thực phẩm bẩn cũng là mối lo ngại mà nhiều khách du lịch gặp phải. Hà Nội nổi tiếng với những món ăn đường phố phong phú, đa dạng, giá cả phải chăng tuy nhiên hình ảnh những quán ăn vỉa hè xung quanh ngập rác thải không phải là hiếm. Nhiều khách du lịch cho biết họ yêu thích không khí tại nhiều điểm du lịch ở Việt Nam, tuy nhiên vấn đề rác thải, thức ăn không đảm bảo vệ sinh khiến họ không còn muốn quay lại lần thứ 2.

Thêm nữa, nhiều khách sạn địa phương, nhân viên không biết ngoại ngữ khiến du khách gặp khó khăn trong việc giao tiếp.



Thu Giang

 

Nguồn: baoxaydung.com.vn