Hình thức tổ chức các buổi tiệc trong hang động trên Vịnh Hạ Long đã tồn tại từ nhiều năm qua.
Khung cảnh một bữa tiệc sinh nhật được tổ chức trong hang động của Vịnh Hạ Long.
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền, quảng bá một dịch vụ khá hấp dẫn giới trẻ: tổ chức các buổi tiệc, kỷ niệm sinh nhật, ăn uống linh đình trong các hang động trên vùng di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
TTXVN dẫn lời ông Nguyễn Công Thái, nguyên Phó Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết trước đây, một số đơn vị cũng tổ chức các buổi tiệc trong hang, chủ yếu là ở 2 hang Hồ Động Tiên và Hang Trống.
Theo một doanh nhân giấu tên, kinh doanh tàu du lịch lâu năm trên Vịnh Hạ Long cho biết hình thức tổ chức các buổi tiệc trong hang động trên Vịnh đã có từ nhiều năm qua. Trước đây, thi thoảng mới có khách yêu cầu dịch vụ này, nhưng hiện nay, trào lưu này đang nở rộ.
Ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cho biết gần đây, ông có nghe phản ánh về việc tổ chức các sự kiện, tiệc sinh nhật trong một số hang động của Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, ông đang chờ... cán bộ thẩm định thông tin này rồi báo cáo.
Dù vậy, vị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố khẳng định mọi việc quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long hiện nay đều phải theo Quyết định 1139 của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo Quyết định 1139/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tại tất cả các điểm hang, động nói chung và hai hang Trống và hang Hồ Động Tiên nói riêng đều không có loại hình dịch vụ ăn uống, tổ chức sự kiện, tiệc mừng nào trong hang.
Cũng theo quyết định này, tại hang Hồ Động Tiên, diện tích rộng khoảng 0,14ha, quy định việc tôn tạo trong lòng hang chỉ nhằm tổ chức các tuyến tham quan, khám phá theo hình thức khám phá thám hiểm và nghiên cứu.
Ngoài ra, hang Hồ Động Tiên cũng được quy hoạch bảo tồn: tổ chức đường tham quan trong lòng hang; giải quyết hợp lý phần đường đi và các giải pháp kỹ thuật trong hang nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những tác động của con người đối với di tích...
Đối với hang Trống, diện tích khoảng 0,1ha, nội dung bảo tồn cũng theo hướng thực hiện các giải pháp kỹ thuật hợp lý nhằm hạn chế mức thấp nhất những tác động của con người đối với di tích. Phần tôn tạo hang chỉ cho phép xây dựng bến cập tàu, cầu dẫn, khu dịch vụ gồm quầy thông tin, giải khát nhẹ, quầy bán đồ lưu niệm và khu hạ tầng kỹ thuật. Rõ ràng, trong Quyết định 1139 không hề có quy định nào cho phép tổ chức dịch vụ ăn uống, tổ chức sự kiện hay tiệc mừng.
Theo chuyên gia, chất thải đồ ăn thức uống, âm thanh lớn sẽ gây ô nhiễm không gian của hang động. Thậm chí, chỉ một hành động tưởng như vô hại, đó là liên tục chiếu đèn cũng khiến cho quá trình tái tạo thạch nhũ của hang động bị ngưng trệ.
Minh chứng rõ nhất cho điều này là hang Phong Nha-Kẻ Bàng. Năm 2012, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra rằng khai thác du lịch làm di sản thế giới này xuống cấp, sắc diện hang không còn mát mắt như xưa. Các nhà nghiên cứu đưa ra những bức ảnh so sánh cho thấy rõ tương quan giữa khối nhũ còn tươi mới năm 1990 và khi đã khô đi chỉ còn đơn sắc sau 20 năm khai thác du lịch.
Trong những bức hình khác, nhũ đá rêu phong sau khi liên tục bị chiếu đèn. Hoạt động du lịch hiện nay của Phong Nha - Kẻ Bàng cũng có tác động không nhỏ tới các hang động nơi đây.
“Việc sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng đã và đang làm cho nhiều khối nhũ không còn tươi mới, xuất hiện hiện tượng khô và trên các khối thạch nhũ”, GS-TSKH Nguyễn Quang Mỹ, ĐH KHTN Hà Nội, cho biết.
“Cũng do sự tác động trực tiếp của du khách tới phần nền hang nên dẫn tới sự bong tróc nền hang ở các hang hóa thạch hay là mất đi vẻ tơi xốp tự nhiên của các bãi cát ngầm trong hang… Một số các bài trí hay vật dụng trong hang không hợp lý cũng làm mất mỹ quan và dáng vẻ tự nhiên, hoang sơ của chúng”.
Vào thời điểm ấy, các chuyên gia đề xuất phải giảm thiểu tác động lên môi trường và cảnh quan hang. Chúng bao gồm: hạn chế tác động trực tiếp lên thạch nhũ, nền hang, chú ý kỹ thuật khoan, thiết kế đường cách không bằng gỗ/xi măng giả gỗ, giảm năng lượng của đèn chiếu sáng…
Để tạo sự hài hòa với cảnh quan của hang, nhóm nghiên cứu đề nghị hạn chế sử dụng các vật liệu nhân tạo, tạo dáng tự nhiên cho các vật dụng, không nên sử dụng ánh sáng nhiều màu lòe loẹt.
Từ bài học của Phong Nha-Kẻ Bàng, có thể thấy di sản thiên nhiên thế giới là bất khả xâm phạm, việc tổ chức các buổi tiệc tùng, ăn uống ở trong các hang động của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là hoàn toàn không phù hợp.
Minh Thái (Tổng hợp)