Việt Nam - Trung Quốc: Thúc đẩy hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 26/08/2016
Ngày 25/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có buổi tiếp và làm việc với ông Giải Chấn Hoa, Đại sứ Biến đổi khí hậu của Trung Quốc và đoàn công tác của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC). Tham dự buổi làm việc về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và ông Giải Chấn Hoa, Đại sứ BĐKH của Trung Quốc
 
Mở đầu buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chào mừng ngài Đại sứ và đoàn công tác đến thăm Việt Nam và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Bộ trưởng cho biết, Bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong 08 lĩnh vực: đất đai, tài nguyên nước, môi trường, địa chất và khoáng sản, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, viễn thám.
 
Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của đoàn Trung Quốc trong Hội nghị COP 21 về BĐKH tại Paris. “Chính sự tiên phong của Trung Quốc trong đàm phán BĐKH đã tạo được sự đồng thuận từ nhiều nước cùng cam kết cắt giảm khí nhà kính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng như Trung Quốc và các nước khác còn rất nhiều việc phải làm.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
 
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng, ông Giải Chấn Hoa, Đại sứ về BĐKH của Trung Quốc cho biết mục đích của chuyến thăm và làm việc lần này là để tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH, trao đổi quan điểm của Trung Quốc và Việt Nam đối với thực thi Hiệp định Paris về khí hậu và thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực BĐKH giữa hai nước nói riêng và hợp tác toàn cầu nói chung.
 
Toàn cảnh buổi tiếp
 
Trao đổi với ngài Đại sứ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nhận thức được mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ TN&MT và các cơ quan phía Trung Quốc đang có một số hợp tác trong các lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn. Việc trao đổi thông tin giữa hai nước về tài nguyên nước và khí tượng thủy văn là hết sức quan trọng trong thích ứng với BĐKH.
 
Trong hợp tác toàn cầu về BĐKH, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam luôn luôn giữ lập trường chung cùng các nước trên thế giới giảm phát thải khí nhà kính. “Thế giới đã đạt được nhận thức chung rằng tác động BĐKH là rất khắc nghiệt mà nguyên nhân chính là do con người gây ra. Việt Nam nhận thấy ứng phó với BĐKH cũng như thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH là trách nhiệm của mỗi quốc gia. Trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển cần có trách nhiệm thực hiện cam kết này một cách minh bạch, rõ ràng.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
 
“Hiện nay, Việt Nam chưa phát thải nhiều khí nhà kính và vẫn nằm trong danh sách các nước phát thải thấp. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không thay đổi ngay từ hôm nay thì sẽ thành một nước phát thải cao trong tương lai. Vì vậy, Việt Nam cam kết và có trách nhiệm thay đổi mô hình phát triển sang phát thải thấp và thân thiện môi trường. Chúng tôi sẽ sớm xem xét chính thức phê duyệt kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Chúng tôi cam kết cắt giảm khí thải nhà kính bằng nguồn lực của mình và cũng mong muốn các nước phát triển hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ để các nước đang phát triển ứng phó với BĐKH và chuyển đổi mô hình phát triển.”  - Bộ trưởng khẳng định.
 
Với vai trò cơ quan đầu mối của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc; đẩy mạnh hợp tác khu vực Đông Nam Á với Trung Quốc cũng như tăng cường hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH.
 
Kết thúc buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đại sứ BĐKH của Trung Quốc mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong thích ứng và giảm nhẹ BĐKH và sẽ có những buổi trao đổi để xác định những hợp tác thiết thực, hiệu quả giữa hai nước.
 
Hai bên chụp ảnh lưu niệm
 
CTTĐT

 

Nguồn: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường