Cuối tháng 5.2015, chiếc xuồng chạy bằng năng lượng mặt trời đã được thử nghiệm thành công tại Đồng Tháp sau khi khắc phục được những nhược điểm về tiếng ồn, tiêu tốn năng lượng… nhằm tận dụng nguồn năng lượng xanh.
Sản phẩm đã được đưa vào thử nghiệm ngay tại địa phương
Ghe xuồng ở Nam Bộ đóng một vị trí rất quan trọng trong việc giao thông đường thủy, ở một địa bàn mà mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như Nam Bộ. Việc sử dụng ghe xuồng làm phương tiện đi lại, vận chuyển đã trở thành nét độc đáo trong đời sống của cư dân cũng như giữ một vai trò thiết yếu trong hoạt động du lịch sông nước.
Việc sử dụng xuồng máy làm phương tiện di chuyển trên sông nước, tham gia vào các hoạt động du lịch tuy mang lại nhiều thuận tiện nhưng xuồng chạy bằng máy sẽ gây ra tiếng ồn, chưa kể đến việc khí thải có chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường.
Trong cuộc triển lãm Sáng kiến xanh được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 9 vừa qua, ông Huỳnh Thiện Liêm (xã Trường Xuân, tỉnh Đồng Tháp) giới thiệu đến tất cả các khách tham quan, các chuyên gia về sản phẩm chiếc xuồng sử dụng năng lượng mặt trời sau hơn 1 năm nghiên cứu, hoàn thiện (từ tháng 1.2014 đến cuối tháng 5.2015).
Tại đây, ông Liêm cho biết sản phẩm được nghiên cứu từ năm 2014 bằng việc dựa vào những đặc trưng sông nước ngay tại quê hương để phát minh ra chiếc xuồng sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ trực tiếp cho đời sống của người dân cũng như đưa nó vào việc kinh doanh du lịch địa phương.
Các thiết bị, vật tư chính trong quá trình nghiên cứu, chế tạo sản phẩm
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, ông Huỳnh Thiện Liêm chia sẻ: “Ý tưởng hình thành từ xuất phát nghề nghiệp chuyên môn bản thân là chuyên cung cấp và lắp đặt điện mặt trời cho những hộ dân vùng sâu vùng xa, ngoài ra tôi cũng thấy rằng đa số phương tiện đưa đón khách tham quan ở những khu du lịch sinh thái sông nước đều dùng máy chạy bằng xăng dầu, gây ra tiếng ồn và ảnh hưởng tới hệ sinh thái vùng miền nghiêm trọng”.
Bằng những kinh nghiệm, sự quan sát, tìm tòi của bản thân, ông Liêm đã hình thành ý tưởng thực hiện phương tiện đường thủy chạy bằng năng lượng mặt trời nhằm khắc phục những nhược điểm vừa nêu trên, và theo ông mục đích chính vẫn là tận dụng nguồn năng lượng xanh, sạch để ứng dụng vào đời sống thực tế, đặc biệt là áp dụng rộng rãi trong ngành du lịch.
Chiếc xuồng được thiết kế với tỷ lệ 7,5 x 0,8 x 0,4m (chiều dài, chiều rộng, chiều cao) cho phép hoạt động với tốc độ tối đa từ 10 - 12km/giờ và chở được 5 người.
Tuy nhiên, để chiếc xuống có thể hoạt động được như hiện nay, ông Liêm đã gặp không ít khó khăn, từ việc thiếu tài liệu, điều kiện cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng hết được những ý định, cũng như phương tiện kỹ thuật cũng gặp trục trặc...
Nhưng sự ủng hộ của người thân, bạn bè; cũng như tận dụng kiến thức và kinh nghiệm về điện, điện tử và năng lượng mặt trời, sự động viên và khuyến khích từ chính quyền địa phương... đã giúp ông Liêm hoàn thành chiếc xuồng và sớm đưa vào sử dụng tại quê hương Đồng Tháp.
“Mô hình này làm ra giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu xăng dầu gây ra. Đồng thời, mô hình này đã tận dụng việc sản xuất trong nước để tạo ra sản phẩm hữu ích sẽ hạn chế được tình trạng nhập siêu các phương tiện cùng loại mà trong nước chưa sản xuất được", ông Liêm phân tích thêm về những ưu điểm mà chiếc xuồng sử dụng năng lượng mặt trời mang lại.
Ngoài việc giảm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch sông nước, ông Liêm còn cho rằng khi triển khai giải pháp ở quy mô lớn sẽ thu hút được một phần số lượng nhân công lao động nhàn rỗi tại địa phương tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm, giải quyết được công ăn việc làm cho người dân.
Sản phẩm xuồng năng lượng mặt trời đã có cơ hội góp mặt trong hội chợ tại Đồng Tháp.
Chia sẻ hướng phát triển sản phẩm trong tương lai, ông Liêm khẳng định: “Ngoài việc tiếp tục cải tiến sản phẩm thuyền năng lượng mặt trời theo hướng nâng cao tính năng kỹ thuật, giảm giá thành... thì trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cho ra những sản phẩm ứng dụng điện năng lượng mặt trời vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là áp dụng cho cây trồng và thủy sản”.
Qua giải pháp này, người con Đồng Tháp gửi tới mọi người một thông điệp: “Hãy cùng nhau góp sức vì một môi trường xanh, sạch, đẹp bằng việc cùng nhau hưởng ứng, khai thác, sử dụng nguồn năng lượng có sẵn, vô tận, tái tạo mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta”.
Bài: Thu Anh, Ảnh: NVCC