Chấn chỉnh dịch vụ lưu trú: “Sẽ tạo hiệu ứng tốt cho toàn ngành”

Cập nhật: 13/09/2016
Những người làm du lịch đều bày tỏ kỳ vọng chiến dịch rà soát, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ lưu trú trên toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ được triển khai quyết liệt, tạo hiệu ứng tích cực cho toàn ngành Du lịch.
(Ảnh: Báo Du lịch)
 
Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hai đoàn công tác kiểm tra, rà soát chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú từ ngày 5-7/9 tại Đà Nẵng - Quảng Nam và Khánh Hòa - Bình Thuận. Trong đợt kiểm tra thí điểm này, tất cả các cơ sở lưu trú ở 4 địa phương trên đã ký cam kết với các Sở Du lịch/Sở VHTTDL và Tổng cục Du lịch về việc chấp hành tất cả các quy định về công nhận hạng sao và nội dung của đoàn công tác đã kết luận.
 
Sau đợt kiểm tra thí điểm này, Tổng cục Du lịch sẽ có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện để xin ý kiến về việc tiếp tục triển khai kiểm tra tại một số địa phương khác như: TP HCM, Hà Nội, Kiên Giang, Hạ Long (Quảng Ninh), Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu, Lâm Đồng. Đây là những địa phương trọng điểm về du lịch nên sẽ do Tổng cục Du lịch phối hợp với các Sở Du lịch, Sở VHTTDL kiểm tra. Những địa phương khác sẽ tự chủ động triển khai đoàn kiểm tra theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện thể hiện qua Công văn số 3320/BVHTTDL-TCDL.
 
Theo ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, chiến dịch rà soát, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú trên toàn quốc sẽ được tiến hành đồng bộ, thường xuyên liên tục ở cả Trung ương và địa phương.
 
Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, chiến dịch tổng rà soát, kiểm tra chất lượng dịch vụ lưu trú toàn quốc do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo là chủ trương rất đúng đắn, đúng lúc và huy động được sự quan tâm của cả Trung ương và địa phương, Tổng cục Du lịch, Thanh tra Bộ, Sở Du lịch, các Sở VHTTDL... Chiến dịch này đã truyền được thông điệp rõ ràng và cụ thể của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng từ “Hội nghị Diên Hồng” ở Hội An và chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tới các cấp quản lý du lịch ở địa phương và các cơ sở lưu trú, coi đây là nhiệm vụ then chốt của ngành trong thời điểm hiện tại, góp phần nâng cao nhận thức, tư duy của các cấp quản lý du lịch cho đến những người làm việc trực tiếp trong ngành du lịch về việc nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú.
 
Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc, hầu hết những nhà quản lý, những doanh nghiệp trong ngành du lịch đều bày tỏ mong chờ chiến dịch này sẽ được triển khai quyết liệt, tạo hiệu ứng tích cực cho sự thay đổi toàn diện của ngành Du lịch Việt Nam.
 
Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội: Nếu triển khai quyết liệt chắc chắn sẽ mang lại hiệu ứng tốt
 
Có thể nói mỗi sự ra đời của các chủ trương, chỉ đạo mới hay việc ban hành các công văn có liên quan đến sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn của ngành Du lịch đều là những dấu ấn quan trọng, đều là những sách lược mang đến cho một du lịch Việt Nam hoàn thiện hơn trong con mắt du khách. Chủ trương của Bộ VHTTDL về việc chấn chỉnh, rà soát các cơ sở lưu trú trên toàn quốc, tạo sự đột phá cho du lịch Việt Nam là điều kiện tiên quyết để những người làm ngành có góc nhìn sâu rộng, thực tế hơn về chất lượng cơ sở lưu trú tại Việt Nam. Chủ trương này nếu triển khai quyết liệt, đồng bộ chắc chắn sẽ mang lại hiệu ứng tốt đối với toàn ngành. Với các khách sạn đạt chuẩn, với những dịch vụ cung cấp hoàn thiện cùng với thái độ phục vụ thân thiện, nụ cười của những người làm du lịch, chắc chắn hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ mang đến cho du khách những ấn tượng tốt đẹp.
 
Tôi cho rằng, chất lượng cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam nói chung và khách sạn 4-5 sao nói riêng so với một số nước cũng không hề thua kém, nhưng cũng có một số cơ sở thì sự so sánh là khập khiễng… Vị trí, cơ sở vật chất, dịch vụ khép kín, đặc biệt là nguồn nhân lực trong các khách sạn vẫn luôn là một vấn đề cần sớm hoàn thiện và theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, không thể phủ định ngày hôm nay chất lượng cơ sở lưu trú của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, đặc biệt là các khách sạn 4-5 sao tại trung tâm các thành phố lớn và vùng trọng điểm.
 
Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtours: Là việc “nằm trong tầm tay”
 
Chiến dịch rà soát, chấn chỉnh các cơ sở lưu trú và coi đây là khâu đột phá cho du lịch Việt là một việc nằm trong tầm tay, bởi vì chúng ta đã có Bộ tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng khách sạn. Tổng cục Du lịch khi tiến hành công nhận hạng sao cho các cơ sở lưu trú hoặc kiểm tra, giám sát cũng căn cứ vào những tiêu chuẩn như vậy. Nếu như cơ sở lưu trú nào không đủ tiêu chuẩn, tiêu chuẩn nào xuống cấp thì phải bổ sung, tốt hơn thì khách sạn đó có thể xin nâng hạng, hoặc thấp hơn thì phải hạ hạng.
 
Thực tế, chất lượng của các khách sạn mới xây dựng ở Việt Nam trong những năm gần đây rất tốt, áp dụng được các công nghệ, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta rất khó đánh giá về chất lượng nhân sự như: lễ tân, buồng, bàn, bar… Đây là những kỹ năng mềm nên rất khó đánh giá, kiểm soát. Do vậy, theo tôi, ngoài việc tăng cường rà soát, kiểm tra chất lượng của các cơ sở lưu trú trên toàn quốc mà Tổng cục Du lịch đang tiến hành rất tốt, thì cần phải vận động, tạo điều kiện cho các cơ sở hoàn thiện chất lượng dịch vụ bằng cách tổ chức các lớp đào tạo mới, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng và thái độ phục vụ của những người làm trong ngành du lịch. Khi những người làm du lịch cải thiện được những kỹ năng mềm, thái độ phục vụ với du khách thì chất lượng sản phẩm du lịch cũng như hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được nâng lên trong mắt du khách. Chúng ta cần làm như thế nào để mỗi người làm du lịch có thể trở thành đại sứ du lịch, mỗi hành vi ứng xử tốt đẹp của họ đối với du khách sẽ góp phần thay đổi quan niệm, cái nhìn của du khách đối với du lịch Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Travel: Khách sạn ở Việt Nam cũng không thua kém gì những nước khác trên thế giới
 
Tôi cho rằng, khách sạn ở Việt Nam cũng không thua kém gì những nước khác trên thế giới. Hầu hết những khách sạn cao cấp tại Việt Nam của những Tập đoàn lớn trên thế giới là đạt chuẩn từ cơ sở vật chất cho đến nhân sự do được đầu tư, đào tạo bài bản theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, có những khách sạn của chính người Việt Nam đôi khi chất lượng chưa đạt chuẩn đúng như hạng sao được công nhận, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt du khách. Do vậy, tình trạng này cần phải chấn chỉnh lại. Chúng ta đã có Bộ tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng khách sạn, được quy định chi tiết từng hạng mục. Tôi cho rằng căn cứ vào tiêu chuẩn đó, chắc chắn sẽ rà soát, chấn chỉnh được tình trạng “loạn sao” hoặc chất lượng dịch vụ không đúng với hạng sao được công nhận.
 
Tôi cho rằng, chủ trương của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc chấn chỉnh chất lượng các cơ sở lưu trú, tạo đột phá cho du lịch Việt Nam là chỉ đạo đúng đắn và hoàn toàn khả thi. Vấn đề chỉ là chúng ta có triển khai quyết liệt và quản lý chặt hay không? Tuy nhiên, về thái độ phục vụ thì chúng ta cần vận động, khuyến khích để những người làm du lịch có thái độ phục vụ tốt hơn, hiếu khách hơn với du khách, chứ khó có thể dùng biện pháp hành chính./.
Nguồn: toquoc.vn