Chung tay bảo vệ môi trường không khí và sức khỏe cộng đồng

Cập nhật: 23/09/2016
Để tăng cường quản lý chất lượng không khí; thực hiện Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sáng ngày 22/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo
 
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, các đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế.
 
Cảnh báo ô nhiễm không khí: Việt Nam xếp thứ 170/178 quốc gia được xếp hạng
 
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, ô nhiễm không khí cũng là một vấn đề nóng, được sự quan tâm của nhân dân.
 
Trong bảng Chỉ số xếp hạng môi trường được công bố năm 2014, chất lượng không khí ở Việt Nam xếp thứ 170/178 quốc gia được xếp hạng, đứng trong số 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới. Chất lượng không khí tại Việt Nam theo Bảng xếp hạng này thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines, Indonesia.
 
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, khi tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm trong thời gian dài sẽ gây nên nhiều bệnh về đường hô hấp của người lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, là nguyên nhân làm chậm phát triển hệ thần kinh, trí não ở trẻ em. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, cứ 100.000 dân thì có 4,1% số người mắc các bệnh về phổi; 3,8% số người bị viêm họng và viêm amidan cấp; 3,1% bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản. Mỗi năm nước ta phải đầu tư khoảng 400 tỷ đồng để điều trị những bệnh do ô nhiễm không khí gây ra.
 
Ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung nếu không được kiểm soát hiệu quả sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV năm 2015 đã chỉ ra rằng: “Trong 10 năm tới, nếu GDP của Việt Nam tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng lên 3 lần; đến năm 2025 có thể gấp 4-5 lần. Trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP”.
 
“Vấn đề ô nhiễm không khí đã và đang trở thành mối nguy cơ lớn ảnh hưởng tới phát triển bền vững của nước ta. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức về quản lý và kiểm soát khí thải” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
 
Ông Nguyễn Trường Huynh, Phó trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm không khí và phế liệu, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường báo cáo tại Hội thảo
 
Giới thiệu Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, ông Nguyễn Trường Huynh, Phó trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm không khí và phế liệu, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường cho biết, các mục tiêu của Kế hoạch đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng môi trường không khí xung quanh.
 
Để thực hiện các mục tiêu này, các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần được triển khai đồng bộ như: hoàn thiện cơ chế chính sách, kiểm soát nguồn thải, thanh tra, kiểm tra, nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.
 
Cần sự chung tay của toàn xã hội trong bảo vệ môi trường không khí và sức khỏe cộng đồng
 
Để triển khai Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện các chương trình ưu tiên theo lộ trình đến năm 2020, 2050.
 
Thảo luận, chia sẻ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý chất lượng không khí của các bộ, ngành, địa phương và đề xuất sự hỗ trợ, phối hợp từ cơ quan Trung ương và các tổ chức quốc tế, các đại biểu tham dự đã gợi ý nhiều giải pháp cụ thể để Kế hoạch thực sự đi vào cuộc sống, góp phần cải thiện môi trường không khí của Việt Nam, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
 
Toàn cảnh hội thảo
 
Đặc biệt, đối với lĩnh vực giao thông vận tải - một trong các lĩnh vực ưu tiên trong triển khai Kế hoạch, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải cho biết, để triển khai Quyết định số 985a/QĐ-TTg, Bộ đã nỗ lực triển khai xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố và tổ chức triển khai; lộ trình nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành, xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng; đồng thời xây dựng quy định quản lý phương tiện giao thông cơ giới lắp động cơ điện.
 
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại hội thảo
 
Về ý kiến tham gia của các địa phương, đại diện đến từ Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh - một trong những địa phương với nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề đang bị ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm không khí, cho rằng, để triển khai Kế hoạch này, Sở sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất và sử dụng nhiên liệu sạch, đổi mới công nghệ để giảm nhẹ phát thải khí thải; có những cơ chế chính sách sử dụng khí nén tự nhiên làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, từng bước đưa các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào các cụm công nghiệp để lắp đặt hệ thống xử lý khí thải; tăng cường công tác quản lý việc đầu tư, lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí thải từ cơ sở công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích nhập khẩu thiết bị xử lý khí thải và thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại ô nhiễm môi trường không khí...
 
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, là cơ quan đầu mối, Bộ TN&MT sẽ tích cực phối hợp và hỗ trợ cho các cơ quan, bộ ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 một cách có hiệu quả, toàn diện, bài bản, phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại Việt Nam và theo xu thế của thế giới về quản lý chất lượng không khí, trong thời gian tới, bên cạnh việc sử dụng nguồn lực trong nước, Việt Nam cần sự hỗ trợ của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.
 
Thông qua Hội thảo này, Thứ trưởng mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý chất lượng không khí, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về kiểm soát ô nhiễm không khí, xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải...; đồng thời kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu trong việc ứng dụng các công cụ kỹ thuật vào quản lý chất lượng không khí; đặc biệt, là sự tham gia của doanh nghiệp và mỗi người dân.
 
"Quản lý chất lượng không khí là trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Vì vậy cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc nâng cao nhận thức, tăng cường công tác phối hợp nhằm bảo vệ môi trường không khí và sức khỏe cộng đồng" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
 
CTTĐT
Nguồn: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường