Khi xác con tê giác Java cuối cùng được phát hiện tại Việt Nam vào năm 2010 tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, câu chuyện đã trở thành một “bi kịch” trong giới bảo tồn. Thiếu quyết tâm chính trị trong việc ra quyết định bảo tồn, thiếu thông tin chính xác về số lượng cá thể tê giác còn lại, thiếu nỗ lực bảo tồn trọng tâm… rất nhiều nguyên nhân được xác định và đã trở thành bài học đắt giá cho các nỗ lực bảo tồn các loài động vật ăn cỏ lớn khác.
Tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam. (Ảnh: WWF)
Kết luận trên từ báo cáo “Bài học từ việc mất đi hoa tiêu: Tê giác Javan Rhinoceros sondaicus annamiticus tuyệt chủng tại Việt Nam” được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học từ nhiều quốc gia, được đăng tải trên tạp chí Biological Conservation, hy vọng sẽ trở thành bài học cho những nỗ lực bảo tồn hiện tại và trong tương lai, đặc biệt đối với khu vực Đông Nam Á.
Áp lực bảo tồn và những nỗ lực
Từ hàng ngàn năm nay, tê giác châu Á đã bị săn bắn để lấy sừng làm thuốc. Phương thuốc này xuất phát từ Trung Quốc, sau đó lan rộng ra Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Chất lượng cuộc sống đi lên giúp người dân Việt Nam sở hữu nhiều hơn những đồ vật quý hiếm. Sừng tê giác – được coi là phương thuốc chữa bách bệnh và là biểu tượng của sự giàu có – là một trong số đó.
Theo báo cáo, nhiều bằng chứng chứng minh tê giác xuất hiện nhiều tại khu vực Nam Trung Bộ Việt Nam trong giai đoạn 1850-1900. Cho đến những năm 1920, chỉ còn lại một số cá thể tại khu vực Biên Hòa và lưu vực sông Đồng Nai, sau đó dần biến mất kể từ những năm 1930. Riêng tại VQG Cát Tiên, đã có 40 con tê giác bị giết hại bằng súng trường bởi người dân địa phương từ năm 1957 cho đến năm 1991. Không phát hiện thêm vụ việc nào kể từ đó cho đến khi phát hiện xác cá thể cuối cùng vào năm 2010.
VQG Cát Tiên tại Lưu vực sông Đồng Nai là dấu vết còn sót lại của khu rừng đất thấp nhiệt đới vốn vô cùng rộng lớn. Vào đầu thế kỉ 19, tê giác xuất hiện chỉ cách Sài Gòn 61 km. Kể từ năm 1975, chính sách đưa người Kinh và các nhóm dân tộc khác từ miền Bắc vào “Khu Kinh tế mới” đã làm tăng dân số và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản như cà phê, hạt điều, dẫn đến sinh cảnh của các loài động vật hoang dã, trong đó có tê giác, bị phá vỡ. Số lượng tê giác giảm đến 90% chỉ trong vòng 10 năm (1989-1999), chỉ còn lại vài dấu vết tại phía Tây Cát Lộc.
Năm 1998, VQG Cát Tiên chính thức được thành lập sau khi sát nhập Khu vực bảo tồn tê giác Cát Lộc, Khu bảo tồn Tây Cát Tiên và Nam Cát Tiên. Nhóm chuyên gia Tê giác Châu Á của IUCN cùng một số cơ quan ban ngành Việt Nam đã xây dựng Chương trình hành động nhằm Bảo tồn Tê giác Việt Nam (giai đoạn 2000-2010). Chương trình được trình bày và thảo luận cùng Bộ NN&PTNT nhưng chưa từng được chính thức thực hiện. Trong khoảng thời gian 1998-2004, Dự án Bảo tồn VQG Cát Tiên (Cat Tien National Park Conservation Project – CTNPCP) trị giá 13 triệu USD do WWF thực hiện đã thành lập hai đội Giám sát và Tuần tra Tê giác với tổng 6 kiểm lâm và 3 người dân địa phương, được tập huấn và trang bị đầy đủ. Đồng thời, cán bộ khu bảo tồn cũng được hai chuyên gia từ Khu bảo tồn Umfolozi Game (Nam Phi) và Tổ chức Tê giác Quốc tế tập huấn kỹ năng thu thập dữ liệu và bảo vệ. Nhờ đó, dự án đã triển khai nhiều hoạt động giám sát bằng dấu chân hoặc camera. Thế nhưng đến năm 2003, đội Tuần tra chỉ còn lại 3 kiểm lâm, chủ yếu tuần tra các con đường dẫn vào khu bảo tồn và điều tra các vụ săn trộm. Sau khi dự án kết thúc, WWF tiếp tục một dự án ba năm (2005-2007) hỗ trợ kinh phí hoạt động cho đội Tuần tra cũng như cung cấp các hỗ trợ về kĩ thuật. Tuy nhiên, cho đến cuối dự án, hoạt động giám sát hầu như không còn được duy trì.
Song song với CTNPCP là chương trình tái định cư, tái cơ cấu sử dụng đất của Chính phủ Hà Lan và Chính phủ Việt Nam, chính thức được bắt đầu vào năm 2003. Thế nhưng khi hoàn thành tái định cư vào năm 2006, chỉ có hai ngôi làng được di dời do hai nhà tài trợ gặp bất đồng về quy trình đền bù khiến tiến độ tái định cư bị trì hoãn. Trước những xung đột lợi ích mạnh mẽ giữa phát triển và bảo tồn, một hội thảo có sự tham gia của cơ quan nhà nước, giới khoa học và các tổ chức phi chính phủ đã được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp tức thời và hiệu quả cho vấn đề bảo tồn tê giác. Nhiều cam kết đã được đưa ra nhưng chưa hề được thực hiện.
Thất bại trong đầu tư cho bảo tồn, giám sát và thực thi pháp luật
Theo phân tích của báo cáo, nguyên nhân chính yếu dẫn đến tuyệt chủng loài tê giác tại Việt Nam là nạn săn trộm, được “dung túng” bởi thực thi yếu kém luật chống săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép, cùng với nhu cầu sừng tê giác ngày càng lớn. So với nhu cầu từ hàng nghìn năm đến nay và cái “giá trên trời” của sừng tê giác, thì những nỗ lực dành cho việc bảo vệ quần thể tê giác còn sót lại là không hề tương xứng. Thậm chí, càng về sau các hoạt động bảo vệ càng giảm. Vậy nên, nguyên nhân trước tiên có thể gọi tên là do thiếu đầu tư giúp tăng cường thực thi luật và quản lý khu bảo tồn.
Bảo vệ hiệu quả là phương pháp duy nhất có thể bảo tồn được loài tê giác. Quần thể tê giác Châu Phi đã từng suy giảm nhanh chóng vào những năm 1980 do thiếu nguồn lực và hoạt động bảo vệ chưa đủ. Tê giác Ấn Độ và Tê giác trắng miền Nam đã được phục hồi từ một quần thể rất nhỏ nhờ tăng cường bảo vệ từng khu vực khi thiếu kinh phí hoạt động trên diện tích rộng lớn. Năm 2013, VQG Kaziranga có đến 700 cán bộ kiểm lâm bảo vệ tê giác và nhiều loài động vật quý hiếm khác trong bán kính 500 km2 (tương đương 1 cán bộ/ 0,7km2). Trong khi đó, Cát Lộc chỉ có 26 kiểm lâm chịu trách nhiệm cho diện tích 300 km2 (tương đương 1 cán bộ/ 11,5km2). Thậm chí, nhiều cán bộ kiểm lâm tại Việt Nam không có nhiệm vụ tuần tra.
Dân cư dày đặc cũng là một thách thức đối với các khu vực bảo tồn. Theo nghiên cứu, ngân sách chính phủ dành cho các khu vực bảo tồn tại Việt Nam, trong đó bao gồm VQG Cát Tiên, là khoảng 894 USD/km2, khá cao so với khu vực Đông Nam Á và Nam Á (trung bình 500 USD/km2). Tuy nhiên, ngân sách tại Việt Nam lại được phân tách rõ ràng đối với cấp tuần tra và cấp quản lý, và nhiều khu vực không coi trọng hoạt động giám sát thực thi. Ngân sách từ phía các tổ chức phi chính phủ cũng hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy thi hành luật nhưng các hoạt động phi lợi nhuận lại thường không lâu bền.
Trong khi đó, VQG Cát Tiên chỉ còn duy trì cam kết và động lực tuần tra giám sát tê giác rất thấp sau khi kết thúc Dự án CTNPCP vào năm 2005. Việc giảm hẳn các hoạt động tuần tra và giám sát sau thời điểm này một phần do quyết định rút lui của WWF, tổ chức vốn bao quát toàn bộ hoạt động bảo vệ và giám sát tê giác. Thiếu cơ quan quản lý tập trung cho khu bảo tồn, không có hệ thống giám sát nhân sự và trách nhiệm giải trình, thiếu năng lực, động lực và hạn chế trong quản lý… khiến kết quả không được duy trì lâu dài, bền vững. Hơn thế nữa, mặc dù Cát Lộc rõ ràng phải chịu áp lực săn bắn rất lớn, cán bộ VQG Cát Tiên không có vẻ xem trọng mối đe dọa săn trộm do không phát hiện xác con tê giác nào kể từ năm 1988, dẫn đến lơi lỏng trong công tác tuần tra và quản lý.
Một nguyên nhân khác được báo cáo đưa ra là hệ thống pháp luật về buôn bán sừng tê giác còn nhiều bất cập. Dữ liệu về thực thi luật tại Mỹ và Nam Phi cho thấy phần lớn những chiếc sừng xuất phát từ hai quốc gia này được đưa đến Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc. Rất ít mặt hàng sừng tê giác được đăng ký hợp pháp theo dữ liệu CITES của Việt Nam, thế nhưng không hề có vụ tịch thu sừng tê giác nào diễn ra từ năm 2008 cho đến tháng 6 năm 2012. Những động thái tịch thu từ cuối năm 2012 đến nay cho thấy Chính phủ Việt Nam mới bắt đầu thực sự đối mặt với vấn đề.
Mặt khác, các nhà tài trợ cùng các tổ chức phi chính phủ thay vì tập trung bảo tồn loài lại tiếp cận vấn đề theo hướng lấy con người làm trung tâm thông qua các dự án tích hợp bảo tồn và phát triển (ICDPs). Bảo tồn tê giác chỉ là một phần nhỏ trong dự án CTNPCP. Thậm chí, ngay trong tổ chức WWF cấp quốc gia và quốc tế cũng không thống nhất cam kết bảo tồn tê giác. Việc huy động vốn bị cản trở do không có đủ thông tin về quần thể tê giác còn sót lại, cùng sự thiếu quyết tâm từ chính quyền cũng như VQG, khiến nỗ lực tập trung vào tê giác trở lại vào năm 2008 đã là quá muộn.
Môi trường sống bị thu hẹp
Các nhà nghiên cứu cho biết, khu vực sinh sống của tê giác Java tại Việt Nam đến năm 1999 chỉ còn lại 6.500 ha, chưa bằng 10% diện tích 10 năm trước đó. Mặc dù nhiều chương trình hành động đã đề xuất mở rộng môi trường sống cho tê giác Java, diện tích này vẫn không hề được cải thiện. Các hoạt động xâm lấn quy mô nhỏ vẫn liên tục tái diễn, kể cả trong vùng lõi bảo tồn tê giác. Những dự án hỗ trợ tái định cư trị giá triệu đô cũng không giúp mở rộng đáng kể môi trường sống cho tê giác, hay giảm bớt áp lực xâm lấn. Những người dân tái định cư vẫn được phép canh tác trên khu đất trước tái định cư bên trong vườn quốc gia, thậm chí 65% hộ gia đình tái định cư dùng chính tiền bồi thường từ dự án để mua thêm đất canh tác ngay bên trong khu vực bảo tồn và tiếp tục khai thác.
Một lý do chính yếu khác được khẳng định qua các phân tích trong báo cáo chính là sự chần chừ của chính phủ trong hỗ trợ và thực thi nhiều biện pháp khác nhau nhằm bảo vệ loài tê giác. Các kế hoạch bảo tồn đã không được thực hiện và mục tiêu ngắn hạn của kế hoạch hành động 2000-2007 cũng không hề đạt được. Thiếu thông tin chính xác về những cá thể tê giác còn sót lại càng làm trì hoãn các quyết định và trốn tránh những lựa chọn khó như biện pháp tái định cư hay vận chuyển tê giác sang nơi ở mới.
Ngoài việc thành lập khu vực bảo tồn, chính phủ không hỗ trợ gì thêm thông qua dự án CTNPCP, và còn nhiều điểm bất đồng giữa chính sách quốc gia và chính sách của tỉnh. Vườn Quốc Gia Cát Tiên trải rộng trên 3 tỉnh và do Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý, thế nhưng mỗi tỉnh lại nhận các mức hỗ trợ quản lý khác nhau. Tỉnh Đồng Nai được hỗ trợ bảo tồn nhiều hơn so với tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước do trụ sở VQG nằm ở Nam Cát Tiên, thuộc Đồng Nai. Trong khi đó, Lâm Đồng bao gồm Cát Lộc mới là khu vực chịu trách nhiệm trực tiếp trước số phận của những con tê giác. Nghèo hơn Đồng Nai, Lâm Đồng ưu tiên hướng đến phát triển kinh tế ngắn hạn hơn là các hoạt động bảo tồn đã được thống nhất trong kế hoạch hành động khẩn cấp năm 2007. Con đường nối hai ngôi làng vẫn không được xóa bỏ, thay thế bằng cung đường mới tránh khu vực sinh sống của tê giác. Chính phủ không những không hề cân nhắc việc tái định cư mà còn ưu tiên phát triển cho khu dân cư rộng lớn phía Tây bắc Cát Lộc. Năm 2008, đường dẫn đến ngôi làng đã được hoàn thành, kết nối ngôi làng với các cộng đồng xung quanh, thúc đẩy phát triển và mở rộng canh tác nông nghiệp, đồng thời chia cắt Cát Lộc, khiến tê giác không thể di chuyển đến một phần tư diện tích Cát Lộc và khu vực Lâm trường Quốc doanh ở phía Tây.
Bài học cho toàn khu vực
Những thất bại trong công tác bảo tồn tê giác, tệ hơn, lại xuất hiện một cách hệ thống tại các khu bảo tồn của Việt Nam cũng như trong khu vực Đông Nam Á, và đặc biệt cần được lưu ý làm bài học cho công tác bảo tồn tê giác tại Indonesia và Malaysia. Tê giác Sumatran có thể cũng phải chịu chung số phận với tê giác Javan khi số lượng cá thể giảm liên tục do nạn săn trộm và thu hẹp môi trường sống, mặc dù các chương trình bảo tồn vẫn được đầu tư liên tục. Nhiều loài đặc hữu khác như chim Po’ouli đảo Hawaii, hay cá heo sông Dương tử cũng đã tuyệt chủng bởi chính nỗi sợ làm sai, hoặc bị chỉ trích nếu thất bại từ phía chính quyền.
Đông Nam Á là khu vực báo động tuyệt chủng các loài ăn cỏ trên cạn do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng từ động vật hoang dã quá lớn, từ thức ăn xa xỉ, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, vật trưng bày cho đến thú cảnh. Vì vậy, Ủy ban Vì sự sống còn các loài của IUCN đã khởi xướng sáng kiến Hợp tác Hành động vì các loài Châu Á (ASAP) thông qua thúc đẩy hợp tác, ưu tiên và thực thi các nỗ lực bảo tồn, trong đó bao gồm việc ghi nhận những bài học từ những sai lầm trong quá khứ.
Áp lực lên các loài động vật hoang dã sẽ không dừng lại. Để có thể thành công, các tác giả khẳng định nỗ lực bảo tồn phải được đặt trọng tâm và được theo đuổi một cách kiên định, thậm chí trong cả các trường hợp thiếu thông tin. Bên cạnh đó hoạt động bảo tồn các loài và các khu vực rất cần các cam kết đầu tư dài hạn.
Đan Khuê/ MT&ĐS