“Cho đến thời điểm này, Bộ VHTTDL đã có ba văn bản đề nghị cơ quan chức năng và UBND thành phố HN xem xét, nghiên cứu và lựa chọn vị trí lối lên, xuống của ga ngầm C9 nằm ngoài phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn. Đến nay chưa thấy Hà Nội có phản hồi”, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết.
Cũng theo ông Thành, mới đây nhất vào khoảng cuối tháng 2.2016, sau khi nhận được văn bản của UBND thành phố HN đề nghị Bộ VHTTDL thống nhất phương án bố trí hai cửa ra vào phía Hồ Hoàn Kiếm theo Quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức khảo sát hiện trạng khu vực dự kiến với sự tham của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, khảo cổ và đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở VHTT Hà Nội. Tại cuộc họp “đầu bờ”, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, Hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn là khu vực rất nhạy cảm không chỉ về yếu tố truyền thuyết, lịch sử, văn hóa mà còn về cảnh quan, không gian và môi trường. Bởi vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thêm phương án vị trí lối lên xuống nhà ga, không nhất thiết phải xây dựng sát Hồ Hoàn Kiếm.
Theo văn bản gửi Bộ VHTTDL, UBND thành phố HN cho biết, việc bố trí các lối ra vào phía bờ Hồ Hoàn Kiếm là để đảm bảo các yêu cầu về đáp ứng lưu lượng hành khách tiếp cận, phục vụ thuận lợi cho du khách thưởng ngoạn, góp phần khai thác và phát huy tối đa giá trị của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; đồng thời đảm bảo các yêu cầu thông gió, thoát hiểm khi có sự cố tai họa, hỏa hoạn và an ninh khẩn cấp. Mặt khác, theo quy định tại khu vực bảo vệ II của di tích có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường-sinh thái của di tích. Các cửa ra vào phía bờ Hồ Hoàn Kiếm, trên thực tế chủ yếu được xây dựng ngầm. Nếu giảm lối ra vào sẽ không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của ga. Cũng theo UBND thành phố HN, việc bố trí hai lối ra vào phía bờ Hồ Hoàn Kiếm là cần thiết và có thể xem xét, chấp thuận được. Thời gian tới thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị triển khai dự án tiếp tục nghiên cứu phương án thiết kế kiến trúc chi tiết các cửa ra, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với kiến trúc cảnh quan của khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
Trả lời về vấn đề này, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND thành phố HN, trong đó nhấn mạnh: Đối với các lối lên xuống: Vị trí các lối lên xuống theo Phương án Quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 hiện tại nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn. Đây là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô Hà Nội, đồng thời đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của nhân dân, nên việc bố trí hai lối lên xuống và biện pháp thi công dự kiến tại khu vực ven hồ chưa nhận được ý kiến đồng tình của các nhà khoa học.
Để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, Bộ VHTTDL đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Ban quản lý đường sắt đô thị HN xây dựng thêm các phương án bố trí nhà ga, lối lên xuống của ga C9 và biện pháp giảm thiểu tác động tới các yếu tố chứa đựng giá trị của di tích. Sau đó, tổ chức buổi làm việc xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học thuộc lĩnh vực lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ, kiến trúc, quy hoạch đô thị… nhằm thống nhất và tạo sự đồng thuận rộng rãi trước khi triển khai các bước tiếp theo.
Trước đó, ngày 24.5.2010, Bộ VHTTDL có văn bản gửi Ban quản lý đường sắt đô thị HN, theo đó cho biết để bảo vệ cảnh quan Hồ Hoàn Kiếm, Bộ VHTTDL lưu ý các lối lên và xuống của ga C9 cần bố trí sang khu vực đất thuộc Công ty Điện lực HN. Ban Dự án đường sắt đô thị HN cần tiếp tục báo cáo UBND thành phố HN lấy ý kiến tham vấn của các Bộ, ngành, tổ chức xã hội liên quan như Viện Khoa học xã hội VN, Viện Khảo cổ học… trước khi quyết định xây dựng ga C9 tại vị trí mới. Ngày 20.7.2015, Bộ VHTTDL cũng đã có tiếp văn bản gửi Ban quản lý đường sắt đô thị HN. Văn bản cho biết cơ bản thống nhất với phương án 2 (bố trí cụm công trình phụ trợ ga C9 tại khu đất của Tổng Công ty Điện lực HN). Tuy nhiên, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, do đó Bộ VHTTDL yêu cầu Ban quản lý đường sắt đô thị HN nghiên cứu, lựa chọn vị trí lối lên và lối xuống của ga C9 nằm ngoài phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn, báo cáo UBND thành phố cho phép tổ chức xin ý kiến nhân dân và các nhà khoa học, sau đó trình Bộ VHTTDL xem xét, thỏa thuận.
Mới đây UBND thành phố HN có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo về các nội dung của ga ngầm C9 (khu vực Hồ Hoàn Kiếm) thuộc dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Lãnh đạo thành phố HN cơ bản thống nhất về vị trí, phương án tổng mặt bằng, giải pháp không bố trí mái che tại khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ Hồ Hoàn Kiếm). Để tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai, thành phố sẽ mời Bộ VHTTDL, các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, làm rõ nội dung có liên quan.
Lâm Sơn