Sáng ngày 4/10, UBND huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) họp báo thông tin về kế hoạch tổ chức Lễ hội chùa Keo mùa Thu năm 2016. Đây là một trong hai di tích tiêu biểu ở tỉnh Thái Bình được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Gác chuông chùa Keo là biểu tượng văn hóa, tâm linh của tỉnh Thái Bình
Theo đó, Lễ hội chùa Keo sẽ diễn ra trong sáu ngày, từ ngày 10/10 đến ngày 15/10 (tức từ ngày 10/9 đến ngày 15/9 âm lịch). Lễ hội diễn ra đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm ngày sinh quốc sư Dương Không Lộ (1016-1094) và những người có công xây dựng chùa Keo.
Ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Keo, cho biết: Địa phương đang xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTTDL công nhận Lễ hội chùa Keo là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội chùa Keo là lễ hội cấp vùng, hiện còn bảo lưu nguyên vẹn nhiều nghi thức truyền thống như: Khai chỉ mở của đền Thánh, Tế lễ Phật thánh trong nội tự chùa; Rước kiệu Đức thánh…
Đáng chú ý là các trò chơi dân gian chỉ nơi đây mới có như bơi chải cạn, múa vồ ếch, lễ rước mặt nạ cùng các hoạt động văn hóa thể thao mang tính cộng đồng như thi kéo co, chọi gà, thi đập niêu, bịt mắt đánh trống, leo cầu ngô…
Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang Tự), gồm hai cụm kiến trúc là chùa nơi thờ Phật và Đền thánh thờ thánh Dương Không Lộ, vị đại sư thời nhà Lý đã có công dựng chùa.
Trải qua gần 400 năm, chùa Keo vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc, cấu trúc độc đáo, đặc sắc có từ thế kỷ 17. Tổng thể chùa Keo hiện nay có 17 công trình với 128 gian. Nổi bật trong khuôn viên chùa Keo là những công trình kiến trúc như: Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, tòa giải vũ, khu tăng xá, vườn tháp…
Đặc biệt, gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam, đây là biểu tượng văn hóa, tâm linh của tỉnh Thái Bình.