Tổng cục Môi trường: Sự cố Formosa ảnh hưởng nặng nề đến du lịch

Cập nhật: 03/10/2016
Tại buổi lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 diễn ra chiều 29/9, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra đã khiến người dân không ai dám ăn cá và gây ảnh hưởng nặng nề tới du lịch.
“Mấy năm trước bãi biển đẹp từ Hà Tĩnh tới Quảng Bình rất đông khách du lịch. Còn năm nay khách đến các bãi tắm rất vắng. Chúng tôi cũng đi tới các bãi tắm này và thấy rất vắng, rất buồn,” ông Tùng nói.
 
Cá chết tại vùng biển tỉnh Quảng Bình (Ảnh: TTXVN)
 
Vẫn theo ông Tùng, sự cố ô nhiễm môi trường ven biển miền Trung do Formosa gây ra từ hồi tháng Tư dù không nằm trong phạm vi đề cập của báo cáo môi trường giai đoạn 2011-2015, nhưng báo cáo vẫn đề cập, bởi đây là vấn đề nổi cộm, thách thức của giai đoạn tới.
 
Ngoài sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung do Formosa gây ra, tại buổi lễ công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, ông Tùng cũng khẳng định các hoạt động phát triển công nghiệp đã và đang gây sức ép lớn tới môi trường.
 
Cụ thể, theo báo cáo, tính đến hết năm 2015 cả nước có 283 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong tổng số 283 khu công nghiệp đang hoạt động mới có 212 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, 24 khu công nghiệp đang xây dựng, còn các khu công nghiệp còn lại mới có lộ trình thực hiện.
 
“Các khu công nghiệp, khu kinh tế góp phần vào phát triển kinh tế nhưng cũng có nhiều chỗ đáng buồn. Cả nước ta có gần 900 cụm công nghiệp, điều đáng buồn là số cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung rất ít, chỉ từ 3-5%,” ông Tùng nói.
 
Đề cập đến “lỗ hổng” dẫn tới việc gia tăng ô nhiễm môi trường trong thời gian qua, ông Tùng thẳng thắn cho rằng, trong công tác bảo vệ môi trường vẫn còn lúng túng, đặc biệt là khâu thực thi chưa hiệu quả.
 
“Dù chúng ta đã có Nghị định, có Thông tư nhưng việc thực thi chưa tốt. Trong khi, nhận thức của các cấp và sự tự giác của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn là vấn đề. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải cũng còn kẽ hở nên còn hiện tượng xả thải thẳng ra môi trường,” ông Tùng thừa nhận.
 
Trước thực tế nêu trên, ông Tùng cho rằng, để góp phần cải thiện môi trường, giải quyết các điểm nóng ô nhiễm, việc cần làm là phải thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như chỉ thị Thủ tướng nêu. Tuy nhiên, ngoài các giải pháp về hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, trong giai đoạn tới phải thực thi các giải pháp quản lý bằng công nghệ.
 
“Đó là sử dụng hiệu quả các công cụ bảo vệ môi trường trong tình hình mới, quan trắc online để phát hiện kịp thời các nguồn thải. Ngoài ra, phải rà soát, xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường theo hướng hội nhập quốc tế theo đúng quan điểm phát triển kinh tế nhưng không làm xấu môi trường,” ông Tùng nhấn mạnh.
 
Hùng Võ
Nguồn: vietnamplus.vn